Chánh án Tối cao kháng nghị vụ đại gia Tòng 'Thiên Mã'

Chánh án TAND Tối cao vừa có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm vụ đại gia thủy sản Phan Bá Tòng (thường gọi Tòng "Thiên Mã") cùng các đồng phạm lừa đảo, làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Kháng nghị về trách nhiệm dân sự trong bản án phúc thẩm TAND Cấp cao tại TP.HCM đề nghị Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao xử theo hướng huỷ bản án trên về phần trách nhiệm dân sự để xét xử phúc thẩm lại.

Theo hồ sơ, bị cáo Tòng là giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã đã trực tiếp chỉ đạo kế toán trưởng công ty Trần Thị Diễm lập khống các hợp đồng mua bán cá, báo cáo tài chính từ lỗ thành có lãi.

Từ các hồ sơ khống này, công ty đã trình Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VDB Cần Thơ ) để vay tiền, qua đó chiếm đoạt hơn 145 tỉ đồng. Tất cả số tiền chiếm đoạt này, bị cáo sử dụng để mua đất, trả nợ cho các ngân hàng khác và chi xài cá nhân…

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm. Ảnh: NN

Xử sơ thẩm, TAND TP Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Tòng 18 năm tù, Diễm bảy năm tù cùng về tội lừa đảo.

Bị cáo Nguyễn Thị Mai (cựu Trưởng phòng Tín dụng Xuất nhập khẩu VDB Cần Thơ) bị phạt sáu năm tù, Lâm Chí Công (cựu Phó phòng) 10 năm tù, Huỳnh Thanh Trúc (cựu cán bộ tín dụng) bốn năm tù cùng về tội làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Xử phúc thẩm, TAND Cấp cao chỉ giảm án cho mỗi bị cáo Diễm còn sáu năm tù, các bị cáo khác y án.

Đáng chú ý, phần trách nhiệm dân sự, tòa chấp nhận một phần kháng cáo của VDB, tuyên buộc sáu ngân hàng phải trả lại 45 tỉ đồng cho VDB. Vì đây là tiền bị cáo Tòng đã chiếm đoạt của VDB để trả cho các ngân hàng này. Đồng thời, tòa buộc bị cáo Tòng và Công ty Thiên Mã liên đới bồi thường cho VDB hơn 142,8 tỉ đồng.

Kháng nghị phân tích về tố tụng, cấp phúc thẩm đã quyết định phần trách nhiệm dân sự theo hướng bất lợi cho các ngân hàng và bị đơn dân sự (Công ty Thiên Mã). Cụ thể, tòa buộc sáu ngân hàng trừ Ngân hàng Indovina phải trả tiền cho VDB và buộc Công ty Thiên Mã phải liên đới bồi thường cùng với bị cáo Tòng. Tuy nhiên, tòa lại không triệu tập các ngân hàng này và công ty trên đến phiên phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 4 Điều 346 BLTTHS, ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Về trách nhiệm dân sự, kháng nghị cho rằng kết luận điều tra thể hiện tổng số tiền Công ty Thiên Mã vay của hợp đồng hạn mức tín dụng xuất khẩu 2019, 2020 và tám hợp đồng tín dụng xuất khẩu từng lần năm 2011, ông Tòng đã sử dụng số tiền hơn 34,2 tỉ đồng để trả nợ gốc và lãi cho bảy ngân hàng. Quá trình điều tra, bảy ngân hàng đều xác nhận Công ty Thiên Mã có những khoản tín dụng tại các ngân hàng này. Khi các khoản vay đến hạn trả nợ gốc và lãi, Công ty Thiên Mã đã chuyển tiền trả nợ.

Các tài liệu trong hồ sơ thể hiện sau khi ký hợp đồng vay bằng cách lập khống chứng từ với VDB, Công ty Thiên Mã đã nhiều lần được giải ngân bằng tiền mặt. Đây chính là nguồn gốc của dòng tiền, tức là từ hành vi lập khống chứng từ vay để lừa đảo VDB của Tòng. Số tiền công ty Thiên Mã nhận được từ hành vi lập khống chứng từ là tiền do phạm tội mà có.

Tuy nhiên, sau khi được VDB giải ngân thì số tiền vay này được nhận nhiều lần bằng tiền mặt và đã được nhập vào quỹ tiền của công ty. Như vậy số tiền phạm tội mà có đã hòa lẫn vào số tiền quỹ tại công ty, khó xác định được dấu vết tội phạm. Qua kiểm tra các phiếu chi thì ngoài rút tiền mặt trong quỹ của công ty để trả nợ cho các ngân hàng thì công ty còn dùng để chi phí hoạt động kinh doanh, trả lương cho công nhân, trả nợ cho các cá nhân bán cá (trong đó có ông Lê Thanh Sơn).

Bị cáo Phan Bá Tòng tại phiên phúc thẩm. Ảnh: NN

Tòa phúc thẩm xác định khoản tiền mà các ngân hàng đã nhận trả nợ từ Công ty Thiên Mã là tiền do phạm tội mà có và buộc các ngân hàng hoàn trả lại số tiền đã nhận là chưa đủ căn cứ.

Đối với phần quyết định buộc ông Tòng và Công ty Thiên Mã phải có trách nhiệm liên đới bồi thường hơn 96,2 tỉ đồng nhưng không tuyên bồi thường cho ai là thiếu sót nghiêm trọng, cần phải khắc phục để đảm bảo công tác thi hành án đúng pháp luật.

Đối với quyết định về việc ông Sơn không phải giao trả cho VDB số tiền 2,9 tỉ đồng, kháng nghị phân tích án sơ thẩm nhận định Ông Sơn nhận tiền từ hành vi ký khống hợp đồng mua bán cá và được giải ngân, không được xem là chiếm hữu ngay tình nên buộc phải trả lại.

Cấp phúc thẩm lại cho rằng giữa ông Sơn và Công ty Thiên Mã có quan hệ mua bán cá. Công ty đã cho ông Sơn ứng tiền và ký hợp đồng vay vốn VDB số tiền 35,9 tỉ. Sau khi VDB giải ngân vào tài khoản, ông Sơn đã rút ra và hoàn số tiền đã ứng cho công ty Thiên Mã. Do đó không tuyên buộc ông Sơn phải hoàn trả số tiền cho VDB.

Nhưng theo kháng nghị, để có cơ sở xác định ông Sơn có trách nhiệm hoàn trả cho VDB hay không thì cần phải làm rõ số tiền này có dấu vết của tội phạm hay không mới có cơ sở xác định đúng trách nhiệm hoàn trả của ông. 

Hết thời hạn kháng nghị tăng án

Theo kháng nghị, án sơ và phúc thẩm xử phạt các bị cáo là đúng người, đúng tội. Mức án 18 năm đối với bị cáo Tòng và 10 năm đối với bị cáo Công là phù hợp.

Mức hình phạt mà tòa cấp phúc thẩm xử phạt đối với bị cáo Diễm Mai và Trúc là nhẹ so với vai trò và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội các bị cáo gây ra. Tuy nhiên, do đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng tăng nặng nên cần rút kinh nghiệm đối với HĐXX phúc thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm