Đề nghị bác kháng cáo của đại gia thủy sản Tòng 'Thiên Mã'

Ngày 17-6, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã xét xử phúc thẩm lưu động tại trụ sở TAND TP Cần Thơ vụ đại gia thủy sản Phan Bá Tòng (thường gọi Tòng “Thiên Mã”) cùng bốn bị cáo khác về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo tại tòa ngày 17-6. Ảnh: NN

Tại tòa, đại diện VKS cho rằng việc cấp sơ thẩm xét xử các bị cáo Phan Bá Tòng, Trần Thị Diễm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị cáo Nguyễn Thị Mai, Lâm Chí Công, Huỳnh Thanh Trúc về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng là đúng người đúng tội.

Đối với kháng cáo của bị cáo Tòng, bị cáo cho rằng đã thanh toán các khoản tiền và cho rằng không phạm tội. Bị cáo biết rõ công ty làm ăn thua lỗ, không còn khả năng tài chính… Bị cáo đã chỉ đạo bị cáo Diễm lập hồ sơ khống, báo cáo kinh doanh của công ty các năm 2009, 2010 từ lỗ trên thực tế thành có lãi. Từ chứng từ khống này đề nghị vay vốn tại VDB để sử dụng vào mục đích cá nhân và trả nợ vay trước đó. Bị cáo đã chiếm đoạt của VDB hơn 145 tỉ...

VKS cho rằng tòa cấp sơ thẩm xử bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, xử phạt 18 năm tù là tương xứng với hậu quả do hành vi của bị cáo gây ra.

Đối với kháng cáo của bị cáo Trần thị Diễm, VKS cho rằng, tại tòa phúc thẩm hôm nay, trong phần xét hỏi, bị cáo Tòng chấp nhận bồi thường không liên đới và bị cáo Diễm không hưởng lợi gì. Từ đó VKS đề nghị chấp nhận kháng cáo của bị cáo về việc không phải có trách nhiệm liên đới bồi thường.

Bị cáo Nguyễn Thị Mai.

VKS nhận định, các bị cáo Mai, Công, Trúc vừa là lãnh đạo, vừa là nhân viên của VDB Cần Thơ biết rõ quy định quản lý tài chính về hoạt động của ngân hàng nhưng các bị cáo không thực hiện đúng chức năng quyền hạn được giao theo quy định. Các bị cáo đã cố ý làm trái các quy định của Nhà nước. Bị cáo Mai, Công, án sơ thẩm đã xét xử là đúng người đúng tội.

Bị cáo Trúc có nhiều tình tiết giảm nhẹ mới như hoàn cảnh gia đình thực sự khó khăn, có con bị bệnh và ngân hàng cũng xin giảm nhẹ cho bị cáo. Bị cáo là nhân viên có sự lệ thuộc vào cấp trên, đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.

Xét kháng cáo của nguyên đơn dân sự là VDB Cần Thơ, VKS xác định có đủ cơ sở khẳng định bị cáo Tòng đã sử dụng tiền vay của VDB Cần Thơ là 45 tỉ để trả nợ gốc, lãi cho 7 ngân hàng khác. Kháng cáo của VBD yêu cầu thu hồi số tiền này để trả cho VDB để khắc phục hậu quả là có căn cứ.

Từ các nhận định trên, VKS đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Tòng, Mai, Công và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Thanh Sơn; chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ của bị cáo Trúc, đề nghị giảm cho bị cáo này một năm tù; chấp nhận kháng cáo của bị cáo Diễm về phần dân sự, không buộc bị cáo liên đới bồi thường số tiền mà Phan Bá Tòng chiếm đoạt; chấp nhận một phần kháng cáo của VDB về việc buộc thu hồi số tiền 45 tỉ mà bị cáo Tòng đã trả cho 7 ngân hàng.

Xử sơ thẩm vào tháng 9-2018, TAND TP Cần Thơ tuyên phạt bị cáo Tòng 18 năm tù, Diễm 7 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị cáo Mai 8 năm tù, Công 10 năm tù, Trúc sáu năm tù cùng về tội cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Về dân sự, toà sơ thẩm buộc hai bị cáo Tòng, Diễm và công ty Thiên Mã liên đới bồi thường cho VDB Cần Thơ số nợ gốc hơn 142,8 tỉ đồng. 

Sau phần tranh luận, tòa công bố sẽ tuyên án vào 14 giờ ngày 18-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm