Ngày 11-9, TAND TP Cần Thơ tiếp tục ngày thứ hai xét xử đại gia Phan Bá Tòng (Tòng Thiên Mã, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Thiên Mã) lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 120 tỉ đồng của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Cần Thơ.
Bị truy tố cùng tội danh này còn có Trần Thị Diễm (48 tuổi, nguyên kế toán trưởng Công ty Thiên Mã). Bị cáo Nguyễn Thị Mai (61 tuổi nguyên trưởng phòng tín dụng xuất khẩu - Ngân hàng VDB Cần Thơ) và Lâm Chí Công (42 tuổi, nguyên phó phòng tín dụng xuất khẩu - VDB Cần Thơ) và Huỳnh Thanh Trúc (38 tuổi, nguyên cán bộ tín dụng - VDB Cần Thơ) bị truy tố về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo trạng, trong quá trình vay vốn tín dụng xuất khẩu tại Ngân hàng VDB Cần Thơ, Tòng đã sử dụng tiền vay tại 13 khế ước nhận nợ của Hợp đồng tín dụng xuất khẩu hạn mức số 02-2009 để trả cho các khoản nợ tại các ngân hàng khác, sử dụng tiền vào mục đích cá nhân.
Sau đó, Tòng chỉ đạo kế toán trưởng là Diễm cùng một số nhân viên của Thiên Mã dùng các thủ đoạn gian dối như lập giả báo cáo kết quả kinh doanh năm 2009, 2010 từ lỗ thành có lãi. Ngoài ra, còn lập khống các hợp đồng, chứng từ mua bán các nguyên liệu khống để chứng minh mục đích sử dụng vốn vay, tạo ra tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để lập hồ sơ đề nghị vay vốn và đề nghị giải ngân tại VDB Cần Thơ… Qua đó, bị cáo đã chiếm đoạt của của VDB cần Thơ hơn 147 tỉ đồng.
Theo đó, kết quả điều tra bổ sung của VKSND Tối cao xác định hậu quả thiệt hại của VDB Cần Thơ đã tính trừ số tiền có thể được khắc phục từ giá trị một phần tài sản là công trình xây dựng trên đất và máy móc thiết bị dây chuyền sản xuất của nhà máy chế biến thủy sản Thiên Mã 3 được dùng thế chấp một phần cho các hợp đồng tín dụng, hai quyền sử dụng đất thế chấp bổ sung tổng công là trên 27 tỉ đồng. Như vậy số tiền còn bị Tòng chiếm là trên 120 tỉ đồng.
Trong buổi sáng, các luật sư tập trung hỏi để làm rõ vai trò trách nhiệm của bị cáo Tòng và bị cáo Diễm; số tiền mà Tòng dùng để chi trả cho các ngân hàng khác; vai trò trách nhiệm của bị cáo Trúc.
Tại tòa, bị cáo Tòng vẫn cho rằng cáo trạng quy kết đã chiếm đoạt số tiền 120 tỉ đồng là không đúng mà đây là khoản nợ vay nuôi trồng thủy sản và bị cáo chấp nhận trả chậm cho ngân hàng. Khoản tiền hơn 24 tỉ đồng bị cáo trả cho các ngân hàng nó không nằm trong số tiền 147 tỉ đồng mà cáo trạng quy kết.
Còn việc bị cáo Diễm lập các báo cáo tài chính khống là theo chỉ đạo của Tòng. Trong quá trình thực hiện bị cáo Diễm thấy việc làm vi phạm nên không chịu làm. Tuy nhiên, lúc này Tòng đã làm cam kết bằng văn bản với các nhân viên sẽ chịu tất cả trách nhiệm (hình sự và dân sự nếu có) về việc chỉ đạo, mọi nhân viên không chịu trách nhiệm .
Bị cáo Tòng cho biết nhân viên chỉ làm theo chỉ đạo, mọi trách nhiệm do Tòng chịu hết
“Tôi là giám đốc công ty mọi việc chi xuất tiền không ai có quyền quyết định ngoài tôi. Trong quá trình điều tra tôi cũng có nói cán bộ xin miễn tất cả trách nhiệm cho Diễm. Nhân viên chỉ làm theo chỉ đạo của tôi thôi, tôi là người rất quyết đoán, chỉ đạo của tôi thì phải làm, không làm thì viết đơn xin nghỉ” - bị cáo Tòng nhận mọi trách nhiệm về mình.
Bị cáo Trúc thừa nhận chỉ thẩm định hồ sơ vay chỉ căn cứ vào hồ sơ tài liệu kèm thông tin như báo cáo tài chính, hồ sơ pháp nhân của Công ty Thiên Mã, không kiểm tra khách hàng, người cung cấp nguyên liệu trước khi đề xuất cho vay, không kiểm soát được nguồn tiền của khách hàng...
Tuy nhiên Trúc cho rằng việc tiếp nhận hồ sơ vay của Thiên Mã đều làm theo chỉ đạo của cấp trên, bị cáo không có quyền tổ chức đi kiểm tra thẩm định...