Khánh Hòa hoàn thiện hồ sơ dự án KCN Dốc Đá Trắng 1.800 tỉ đồng

(PLO)- Bộ KH&ĐT đề nghị Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư đảm bảo nguồn vốn thực hiện dự án KCN Dốc Đá Trắng tại Khu kinh tế Vân Phong.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 15-1, nguồn tin PLO xác nhận UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản giao Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Phong phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương nghiên cứu thực hiện các kiến nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng.

Dự án xây dựng khu công nghiệp 1.800 tỉ đồng

Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Dốc Đá Trắng có diện tích 288 ha tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh và xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Dự án do Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ đề xuất có tổng vốn đầu từ hơn 1.800 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 271 tỉ đồng.

Nam Vân Phong sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp. Ảnh: HH.

Nam Vân Phong sẽ tập trung phát triển ngành công nghiệp. Ảnh: HH.

Đây là dự án thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Trong văn bản thẩm định dự án gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ KH&ĐT cho biết dự án phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia thời kỳ 2021 -2030 và bốn quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt.

Đồng thời, dự án KCN Dốc Đá Trắng cũng phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa và quy hoạch sử dụng đất tỉnh Khánh Hòa.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng không có ý kiến về vị trí đề xuất thực hiện dự án. Đây là trách nhiệm của UBND tỉnh Khánh Hòa và Bộ Xây dựng. Do đó, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tỉnh Khánh Hòa phối hợp cùng Bộ Xây dựng rà soát hoặc hiệu đính hoặc bổ sung KCN Dốc Đá Trắng và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Vân.

Theo Bộ KH&ĐT, dự án thuộc địa bàn cấp huyện có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn do đó không thuộc đối tượng đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tại thời điểm lập báo cáo thẩm định, ngoài hồ sơ dự án này, Bộ KH&ĐT chưa nhận được đề xuất của nhà đầu tư nào khác. Theo ý kiến của UBND Khánh Hòa, nhà đầu tư có kinh nghiệm trong việc đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Do đó, dự án thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Nhà đầu tư phải đảm bảo nguồn vốn

Về năng lực tài chính của Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ, Bộ cho rằng theo hồ sơ nhà đầu tư đảm bảo vốn không thấp hơn 15% của dự án (271 tỉ đồng). Nhà đầu tư cam kết sử dụng vốn điều lệ của công ty làm vốn góp chủ sở hữu để thực hiện dự án và dự kiến sử dụng nguồn lợi nhuận sau thuế để tăng vốn điều lệ, đáp ứng nguồn vốn chủ sở hữu cần thiết.

Khánh Hòa sẽ có KCN rộng 288 ha tại KKT Vân Phong. Ảnh: HH.

Khánh Hòa sẽ có KCN rộng 288 ha tại KKT Vân Phong. Ảnh: HH.

Tuy nhiên, Bộ cho rằng đây chỉ là phương án tính toán ban đầu của nhà đầu tư. Để có thể sử dụng nguồn vốn này, cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp nên chưa đủ cơ sở để đưa vào tính toán vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư để thực hiện dự án.

Ngoài dự án này, Công ty CP Phát triển KCN Viglacera Yên Mỹ đang thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Theo đó, số vốn chủ sở hữu hiện tại chưa đủ khả năng đáp ứng điều kiện về vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư thực hiện dự án.

Do đó, Bộ đề nghị tỉnh Khánh Hòa yêu cầu nhà đầu tư bổ sung vốn chủ sở hữu theo quy định để đảm bảo khả năng góp vốn thực hiện dự án này và dự án KCN Yên Mỹ. Qua đó, tránh để tình trạng cả hai dự án bị góp vốn dở dang.

Để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương của dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ văn bản của Bộ KH&ĐT chủ động phối hợp với Ban Quản lý KKT Vân Phong triển khai thực hiện, báo cáo tham mưu cho tỉnh trước ngày 20-1.

Đảm bảo chuyển đổi 147 ha đất rừng sản xuất đúng quy định

Bộ KH&ĐT cho biết theo dự án sẽ chuyển đổi hơn 147 ha đất trồng rừng sản xuất. Việc chuyển đổi thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của HĐND tỉnh Khánh Hòa.

Do đó, Bộ lưu ý tỉnh Khánh Hòa đây là nội dung phải thẩm định và trình cấp có thẩm quyền trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Vì vậy tỉnh phải hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng quy định pháp luật và có phương án trồng rừng thay thế hoặc hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế.

Đồng thời, dự án dự kiến tạo việc làm cho 26.000 lao động nên sẽ tạo ra áp lực về di dân, tái định cư và môi trường trong khu vực (xả thải, xử lý chất thải), tạo ra thay đổi về mặt xã hội do tập trung số lượng lớn lao động.

Do đó, Khánh Hòa cần lưu ý các giải pháp bảo vệ môi trường, giải quyết vấn đề nhà ở, công trình văn hóa, phương án xử lý đối với tổ chức, cá nhân bị thu hồi đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm