Khánh Hòa, Phú Yên lên phương án đối phó áp thấp có thể mạnh thành bão

Ngày 25-10, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công điện khẩn về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ)có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ trên địa bàn.

Tại bãi biển Ba Làng (TP Nha Trang), ngư dân đã neo đậu, chằng chống thuyền để ứng phó với khả năng áp thấp thành bão. Ảnh: C.NGUYÊN

Luôn trong tình huống sẵn sàng

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 25-10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo hôm nay (26-10), nhiều khả năng ATNĐ sẽ mạnh lên thành bão, ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh này.

UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương ven biển phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương kêu gọi tàu thuyền (kể cả các tàu du lịch) còn hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm chỗ tránh trú bão an toàn.

Đồng thời, các cơ quan thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết, ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển…

Chiều cùng ngày, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa đã có công văn yêu cầu Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc khẩn trương triển khai thực hiện các công việc sau: Chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học ngày 26 và 27-10.

Các cơ quan chức năng kịp thời phối hợp với lực lượng cứu hộ tại địa phương ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại đơn vị.

Theo thông báo của Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa, từ 14 giờ ngày 25-10, đơn vị sẽ tiến hành xả điều tiết nước và duy trì cao trình mực nước hồ chứa nước Đá Đen (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Lưu lượng xả điều tiết lớn nhất là 20 m3/giây, có thể gây ngập cục bộ tại một số khu vực hạ du các xã Xuân Sơn và Vạn Lương (huyện Vạn Ninh) với mức ngập cao nhất là 0,6 m.

Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, chiều 25-10, các vách núi dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng (TP Nha Trang) đã được cơ quan chức năng giăng dây, đặt biển cảnh báo “khu vực sạt lở nguy hiểm”.

Tại bãi biển Ba Làng (TP Nha Trang), các ngư dân đã neo đậu, chằng chống thuyền để ứng phó với ATNĐ.

 

Quảng Ngãi có bốn người chết và mất tích do lũ

Do ảnh hưởng của mưa lũ, hàng chục tuyến đường giao thông quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị sạt lở, hư hỏng. Mưa lũ cũng gây thiệt hại khoảng 528 ha cây trồng, 2.800 con gia cầm, 11 con heo bị chết.

Khánh Hòa, Phú Yên lên phương án đối phó áp thấp có thể mạnh thành bão ảnh 2
Thôn Vĩnh Bình, xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ còn ngập sâu. Ảnh: T.NHẬT

Mưa lũ cũng khiến 2.564 m kênh mương bị sạt lở, ba hồ chứa, 12 công trình nước sạch hư hỏng, 28 đập dâng bị bồi lấp.

Trong hai ngày mưa lũ diễn biến phức tạp, nhiều người dân chủ quan, tham gia nhiều hoạt động bị chính quyền nghiêm cấm như đánh cá, vớt củi, đi qua các ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở… nên đã xảy ra tai nạn làm một người chết và bốn người mất tích (Quảng Nam một người, Quảng Ngãi ba người). THANH NHẬT

Phú Yên lo 1.300 người còn trên biển

Chiều 25-10, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, chủ trì cuộc họp khẩn yêu cầu chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các phương án ứng phó cùng lúc với lũ và bão có khả năng xảy ra.

Ông Thế lưu ý tuyệt đối không được chủ quan. Người đứng đầu chính quyền tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra. Thường xuyên, liên tục thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.

Báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên cho hay tỉnh này còn gần 240 tàu cá với gần 1.300 lao động đang hoạt động trên biển, trong đó vẫn còn năm tàu cá đang ở trong vùng nguy hiểm. Hiện các tàu này đã nhận được thông tin ATNĐ đang mạnh lên khả năng thành bão và đang trên đường chạy tránh.•

Sóng to ở vùng biển Khánh Hòa - Bình Thuận

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 16 giờ ngày 25-10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,1 độ vĩ bắc, 112,5 độ kinh đông, cách Khánh Hòa khoảng 380 km, cách Ninh Thuận khoảng 370 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15 km, suy yếu dần thành vùng áp, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận.

Từ chiều 25-10, trên khu vực ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8. AN HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm