Dự án Nhà ga hành khách - Cảng Hàng không Vinh được khởi công ngày 26-4-2013, có kiến trúc hiện đại, công nghệ cao, phát huy đặc thù văn hóa địa phương với ý tưởng mô phỏng hình tượng đóa hoa sen và lá sen. Nhà ga hành khách được thiết kế theo mô hình 2 cao trình đi và đến tách biệt, tổng diện tích sàn 11.700 m2, 4 cửa máy bay, hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm, công suất khai thác 3 triệu hành khách/năm.
Dự án xây dựng mở rộng sân đỗ máy bay nhằm đảm bảo 7 vị trí đỗ máy bay (tăng 3 máy so với trước), đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay A320/321 và tương đương và Dự án xây dựng đường tầng và sân đậu ô tô được khởi công ngày 8-3-2014. Tại buổi lễ, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đã công bố quy hoạch Cảng hành không Vinh thành Cảng hàng không quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cắt băng khánh thành Nhà ga hành khách- Cảng Hàng không Vinh
Trong ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng cắt băng khánh thành cầu vượt của quốc lộ 46B với quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam.
Trước đó, sáng 31-1, tại Thanh Hóa và Nghệ An, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và hai tỉnh trên đã dự Lễ khánh thành dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa-Hà Tĩnh.
Cầu vượt của quốc lộ 46B với quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam (thuộc địa phận TP Vinh, Nghệ An) được khởi công sáng 19-5-2014, với tổng mức đầu tư 190 tỉ đồng, vượt tiến độ 9 tháng.
Cầu vượt của quốc lộ 46B
Cầu vượt này là 578 m, gồm 10 nhịp dầm giản đơn bề rộng mặt cầu 12 m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép, nối cảng biển Cửa Lò, sân bay Vinh và khu vực kinh tế phía Tây của tỉnh Nghệ An với Lào, giảm ách tắc giao thông và tai nạn giao thông ở cửa ngõ vào TP Vinh
Dự án nâng cấp mở rộng quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa-Hà Tĩnh có chiều dài 315 km đi qua 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh với tổng mức đầu tư 19.909 tỉ đồng. Trong đó, có 8 dự án, dài 206 km với tổng mức đầu tư hơn 12.600 tỉ đồng được đầu tư bằng vốn trái phiếu Chính phủ và 4 dự án, dài 109 km với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng được đầu tư bằng vốn xã hội hóa theo hình thức hợp đồng BOT.