‘Khát vọng hòa bình đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam’

(PLO)- 50 năm sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, nhiều nhân chứng lịch sử đã ôn lại những kỷ niệm xưa luôn mong mỏi hòa bình cho mỗi người, mỗi quốc gia trên thế giới. 

Ngày 27-1-1973, tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.

50 năm sau sự kiện đó, nhiều nhân chứng đã có mặt tại buổi tọa đàm Khát vọng hòa bình diễn ra ngày 9-1 để ôn lại thời khắc lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đất nước ta.

Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, bày tỏ khát vọng về một nền hòa bình luôn là mong muốn của mọi người dân trên thế giới ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời điểm nào.

Với một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến trong lịch sử để bảo vệ nền độc lập, mỗi người Việt Nam hiểu sâu sắc ý nghĩa thiêng liêng của hai tiếng hòa bình. Khát vọng hòa bình đã trở thành lẽ sống của dân tộc Việt Nam, được bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có lớp lớp phụ nữ Việt Nam, nối tiếp nhau không tiếc công sức và xương máu để vun đắp và gìn giữ.

Nhìn những người có mặt tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên đội nữ lái xe Trường Sơn, nói: Ở đây, nhiều anh chị đã trải qua chiến tranh nhưng nhiều các em, các cháu chưa trải qua chiến tranh. Bởi vậy, theo bà câu chuyện được kể ngày hôm nay đối với những người như bà là để ôn lại những kỷ niệm, còn đối với người trẻ là để có thêm bài học để giữ gìn hòa bình đang có.

Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: VT

Bà Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên đội nữ lái xe Trường Sơn. Ảnh: VT

Thời kỳ đó, vào những năm 1966-1967, khi đế quốc Mỹ tăng cường chiến tranh phá hoại ở hậu phương miền Bắc, trước tình thế cấp bách, đơn vị nữ lái xe Trường Sơn đã được thành lập.

“Không đất nước nào như đất nước chúng ta, đơn vị nữ lái xe ra đời trong thời kỳ chiến tranh ác liệt như thế” - bà Hòa nói và quả quyết đây là đơn vị nữ lái xe đầu tiên trên thế giới. Bà Hòa cũng cho biết mỗi lái xe nữ phải có ba bằng lái để đáp ứng trong từng thời kỳ và nhiệm vụ.

Kể lại những gian khổ, hiểm nguy mà nữ lái xe Trường Sơn phải đối mặt, bà Hòa kể: “Chị em chúng tôi lúc đó sợ ma chứ không sợ chết”.

Tại tọa đàm, nữ luật sư người Mỹ Nancy Hollander, đại biểu trẻ tuổi nhất tham gia phái đoàn gặp mặt ngoại giao nhân dân đầu tiên giữa Việt Nam và Mỹ năm 1965 tại Jakarta, Indonesia kể lại nhiều kỷ niệm khi tham gia vào các hoạt động phản đối chiến tranh ở Việt Nam tại Mỹ.

Nói về kỷ niệm của mình về Hiệp định Paris, bà kể, trong quá trình đàm phán và ký kết bà được tặng một chai rượu, bà đã tự nghĩ sẽ dành nó để uống mừng khi Việt Nam hòa bình. Và thời khắc chai rượu mừng được khui ra đó là ngày 30-4-1975.

Chưa trải qua chiến tranh nhưng với Trung tá Đỗ Thị Hằng Nga, Phó Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4, Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam, thì hoạt động của Việt Nam tại các quốc gia đã góp phần bảo vệ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Trung tá Nga kể: Khoảnh khắc khiến mình tự hào nhất đó là khi cùng với thành viên của các nước khác đi thể dục xung quanh nơi làm nhiệm vụ, những người dân đặc biệt là trẻ em vẫy tay và hô to: Xin chào Việt Nam.

“Việt Nam mới tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Ở một nơi khó khăn như thế, không có nước, không có điện, không có thông tin, giữa quân nhân của các quốc gia khác nhưng họ biết đến Việt Nam và hô to Việt Nam, điều đó càng đáng tự hào”- Trung tá Nga xúc động.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và các đại biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: VT

Với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - là người gắn bó với lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam từ những ngày đầu thực thi nhiệm vụ tại Liên Hợp Quốc, việc tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc là một trong những chính sách đối ngoại của Việt Nam, tuyên bố mạnh mẽ và thể hiện hình ảnh một quốc gia có uy tín, trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh thế giới.

Nói về hòa bình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ: Trong quá khứ, đất nước ta mỗi khi có hòa bình đều phải đổ máu, đều phải chiến đấu.

‘Chúng ta có được nền hòa bình ngày hôm nay là nhờ xương máu của các thế hệ đi trước... vậy trong thời bình chúng ta cần phải làm gì? Tôi nghĩ quan trọng nhất là nhân dân ta phải giữ cho được hòa bình để không phải đổ máu nữa. Trong cuộc đấu tranh để giữ được hòa bình trong thời bình, toàn dân chúng ta phải xây dựng đất nước tươi đẹp và bảo vệ Tổ quốc mình”- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nói.

Ngày 9-1, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, TP Hà Nội đã khai mạc Triển lãm Khát vọng hòa bình.

Triển lãm gồm hai chủ đề trưng bày: Đường tới hòa bình và Hiệp định Paris - Chiến thắng của khát vọng hòa bình.

Triển lãm dẫn dắt người xem đến những câu chuyện về ý chí, sự kiên cường và anh dũng, bản lĩnh và trí tuệ của người phụ nữ Việt Nam trên mọi mặt trận từ chính trị, quân sự, ngoại giao nhân dân...

Đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris với vai trò đặc biệt của bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân Việt Nam, tạo mọi tiền đề để Việt Nam kết thúc cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và là niềm cổ vũ lớn lao đối với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm