Đây là các đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc triệt phá thành công băng nhóm nước ngoài sử dụng công nghệ cao lừa đảo.
Năm đơn vị được khen thưởng. Ảnh: HK.
Chiều nay 20-6, Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP.HCM đã thăm, trao thưởng cho các đơn vị có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình tham gia đấu tranh, xử lý vụ án người nước ngoài sử dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo trên địa bàn TP.HCM.
Đường dây lừa đảo bằng công nghệ cao do nhóm đối tượng người nước ngoài thực hiện, nhằm vào những nạn nhân là người nước ngoài.
Thủ đoạn của chúng là giả làm Công an Trung Quốc để hù doạ nạn nhân. Một tổ giả làm nhân viên nhân hàng gọi điện thông báo với nạn nhân của họ số tiền trong tài khoản liên quan đến hoạt động ma túy, rửa tiền…. Chúng yêu cầu phải gọi điện Công an để báo án. Nhóm còn lại hù họa bắt giam nhằm uy hiếp tinh thần nạn nhân.
Từ đó yêu cầu bị hại gửi tiền vào tài khoản của chúng với chiêu trò “tài khoản an toàn của cảnh sát”, nếu nạn nhân thực sự vô tội chúng sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, ngay khi vừa nhận được tiền vào tài khoản, chúng đã ngay lập tức rút sạch và biệt tăm biệt tích.
Báo cáo về hành trình phá án, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết quá trình theo dõi, trinh sát phát hiện một số đối tượng nước ngoài khả nghi.
Thời cơ đến vào sáng ngày 12-6, công an TP.HCM tổ chức kiểm tra hành chính tại căn nhà số 251 đường Võ Văn Hát (phường Long Trường, quận 9) và địa chỉ Chung cư Lucky Palace (quận 6). Cuộc tập kích bất ngờ khiến những đối tượng này không kịp trở tay.
Lễ khen thưởng vừa diễn ra chiều nay ngày 20-6. Ảnh: HK.
Qua kiểm tra, công an phát hiện 22 người Trung Quốc và Đài Loan – Trung Quốc sư dụng công nghệ cao để hoạt động lừa đảo. Tang vật thu được gồm nhiều tài liệu chứa nội dung lừa đảo, hàng chục máy tính bảng, máy tính xách tay, điện thoại di động, bộ đàm, bộ phát wifi, thiết bị kết nối và máy giả lập âm thanh như còi hiệu, tiếng súng, nhạc lễ quân cảnh, tiếng ồn văn phòng, tiếng cười nói…
Nhóm đối tượng này chỉ nhằm vào người Trung Quốc và người Đài Loan-Trung Quốc. Do không có bị hại người Việt Nam nên không có căn cứ xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam.
Công an TP đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, xử lý vi phạm hành chính, đưa các đối tượng này về cơ sở lưu trú 2, Cục C10, Bộ Công an để tiếp tục điều tra. Hiện Công TP đang chờ ý kiến Bộ Công an để bàn giao cho Bộ Công an Trung Quốc và Văn phòng kinh tế và văn hóa Đài Bắc di lý về nước để xử lý.
Phát biểu tại lễ trao thưởng, ông Trần Thế Lưu, Trưởng ban Nội chính Thành ủy cho biết từ vụ án trên và các vụ án ma túy lớn mà Công an TP, Bộ Công an khám phá thời gian qua có thể thấy trên địa bàn TP.HCM hiện nay, có tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn TP để hoạt động phạm tội mang tính chất quốc tế.
Ông đánh giá cao hiệu quả của công tác quản lý địa bàn bởi nếu nắm không sâu sát thì không thể nào phát hiện vụ này được. Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao, hình thức khác nhau, công nghệ 4G khó phát hiện nhưng nếu lực lượng công an giỏi nghiệp vụ và tập trung để phá án thì có thể ngăn ngừa.
Ngoài ra, để kịp thời ngăn chặn và phá án, Trưởng ban Nội chính Thành ủy cũng đề nghị Công an TP cần phải làm tốt công tác phối hợp giữa Công an TP với Công an các tỉnh giáp ranh; làm sao để TP.HCM không trở thành mảnh đất màu mỡ để tội phạm nước ngoài hoạt động.