Khi bầu Tú ‘học’ bài của bầu Kiên

Cũng cần biết là lúc khó khăn VPF tìm đối tác không ra thì có doanh nghiệp như Next Media nhảy vào chia sẻ và tìm hướng ra lẫn nâng tầm bản quyền V-League cùng giá trị V-League. Điển hình 16 mùa chuyên nghiệp trước mỗi đài trực tiếp làm một kiểu thì khi có Next Media tham gia lần đầu, mọi người thấy có sự đồng bộ từ tất cả khâu sản xuất nghiêm túc ở các sân.

Ông Trần Anh Tú khi làm chủ tịch kiêm tổng giám đốc VPF nhiệm kỳ mới đã “học” kiểu bầu Kiên hồi đòi thương quyền V-League từ AVG. Hồi đó ai cũng biết bầu Kiên ngoài lý còn dựa vào nhiều thế lực để làm khó đơn vị AVG chịu mua bản quyền khi chẳng đài nào mua.

Mối lương duyên nào cũng thấy bất cập nhưng có chung một điều là dường như các đối tác mua bản quyền V-League đều ở dạng thiện chí lúc VFF hoặc VPF không có lối ra. Họ nghĩ đến chuyện dài lâu và đầu tư dài hạn để tiến dần đến việc khai thác có lãi chứ không phải nhào vào là có ăn liền.

Đã vậy V-League chưa phải là “hàng hóa chất lượng” để các nhà truyền thông tranh nhau mà điển hình là lượng khán giả đến sân rất lèo tèo.

Điều mà nhiều người thấy có gì đó bất ổn là không khó để nhận ra nhiệm kỳ mới đang muốn phủ nhận tất cả nỗ lực của nhiệm kỳ cũ, trong đó có việc mời một đơn vị chưa hưởng lãi nhưng đang cố làm đẹp, làm đồng bộ chất lượng sóng truyền hình V-League và đưa đến người hâm mộ bằng việc phủ sóng trực tiếp 100% các trận đấu trên YouTube.

VPF nhiệm kỳ mới đơn phương chấm dứt hợp đồng làm nhớ lại vụ bầu Kiên ở nhiệm kỳ đầu VPF cũng phá vỡ các hợp đồng trước đó. Được, mất chưa biết nhưng rõ ràng với kiểu ký cứ ký, đòi cứ đòi thế này chắc chắn các đối tác làm việc với VPF phải thận trọng khi đổ tiền đầu tư bởi nhiều khả năng mất cả chì lẫn chài bởi lối “tư duy nhiệm kỳ”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới