Phát biểu tại “Diễn đàn mua bán và sáp nhập Việt Nam 2018” tổ chức tại TP.HCM mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết: Sắp tới Chính phủ sẽ hết sức hạn chế hoặc có thể không cấp thêm giấy phép cho ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
“Hiện số lượng tổ chức tín dụng ở Việt Nam đang còn nhiều. Vì vậy, chúng ta cần sắp xếp lại để nâng cao quản trị” - Phó Thủ tướng lý giải.
Nhà băng ngoại tăng tốc
Tại Việt Nam hiện có hơn 50 tổ chức tín dụng nước ngoài đang hoạt động, trong đó có chín ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp phép hoạt động. Số lượng ngân hàng 100% vốn nước ngoài được thành lập có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép cho UOB trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
Do vậy, thông tin Chính phủ có thể sẽ dừng thành lập mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài thu hút sự quan tâm của giới tài chính. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, cho rằng với lợi thế về mạng lưới hoạt động rộng rãi cùng nhiều kinh nghiệm hoạt động trên thị trường quốc tế nên khi vào Việt Nam, ngân hàng nước ngoài không chỉ tập trung cung cấp các dịch vụ cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dịch vụ liên quan đến thanh toán quốc tế mà còn nhanh chóng mở rộng sang mảng dịch vụ cho vay tiêu dùng, bán lẻ. Do đó, việc mở rộng thị trường của các ngân hàng nước ngoài sẽ tạo sự cạnh tranh quá dày đặc giữa các ngân hàng trong nước và nước ngoài.
“Chính vì vậy, hoạt động mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là điều cần làm. Nếu được thực hiện tốt, bài bản, được kiểm soát chặt chẽ có thể giúp xây dựng một hệ hống ngân hàng lành mạnh. Việc mua bán, sáp nhập vừa không đẻ ra thêm số lượng ngân hàng mới mà cũng phù hợp với chủ trương của NHNN trong việc giảm số lượng các ngân hàng nội và tăng quy mô sức mạnh của các ngân hàng nội để có thể cạnh tranh được trong khu vực” - ông Hiếu phân tích.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng: Nếu cho phép thành lập mới ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhiều cũng giống như cho phép ồ ạt nhập khẩu hàng hóa vào thị trường Việt Nam mà thiếu sự kiểm soát. Một khi doanh nghiệp nước ngoài chi phối thị trường tài chính thì các ngân hàng Việt sẽ ngày càng yếu thế. “Nếu trong hệ thống tài chính mà để các doanh nghiệp nước ngoài khống chế sẽ là điều vô cùng nguy hiểm” - ông Phong nói.
Tuy vậy, một số ý kiến khác lại cho rằng những nhân tố ngoại có thể góp phần cải thiện được các vấn đề còn hạn chế của các ngân hàng nội như quản trị, khung pháp lý và giúp gia tăng sự minh bạch, giúp khách hàng có thêm nhiều lựa chọn. Đặc biệt sự “đổ bộ” của dòng vốn từ các ngân hàng nước ngoài sẽ giúp chuyển giao chuyên môn và nâng cao tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Điều này có lợi cho cả ngân hàng lẫn người vay tiền.
Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn. Trong ảnh: HDBank dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank trong tháng 8-2018. Ảnh: TL
Cuộc chiến giành thị phần sẽ vẫn gay gắt
“Mặc dù Chính phủ hạn chế cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng sẽ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua và sở hữu ngân hàng yếu kém trong diện tái cơ cấu trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay. Hiểu nôm na là Nhà nước cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua, sở hữu 100% vốn và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam. Những ngân hàng nằm trong diện này sẽ được bán và chuyển giao như Xây dựng, GPBank, OceanBank...
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang là điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt nhiều nhà băng ngoại. Bằng chứng là thời gian gần đây các ngân hàng ngoại khuếch trương hoạt động tại Việt Nam bằng việc mở thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch. Đơn cử Ngân hàng Shinhan Bank Việt Nam đã chính thức khai trương bốn chi nhánh và phòng giao dịch mới, giúp nâng tổng số điểm giao dịch lên 30 trên toàn quốc.
Điều này cho thấy ngân hàng ngoại sẵn sàng cạnh tranh với các ngân hàng nội để giành thị phần và sẽ tiếp tục tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Trong đó nhiều nhà băng ngoại bày tỏ tham vọng lớn với thị trường Việt Nam, đặc biệt mảng bán lẻ. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, chia sẻ: “Hiện chúng tôi tập trung phát triển vào hai mảng hoạt động chính là dịch vụ tài chính bán lẻ và tài chính doanh nghiệp. Về chiến lược phát triển lâu dài, chúng tôi sẽ đẩy mạnh phát triển các nền tảng công nghệ kỹ thuật số giúp tối ưu hóa và giản lược hóa cuộc sống tài chính của khách hàng…”.
Từ phía ngân hàng nội, ông Hoàng Minh Hoàng, Giám đốc tài chính Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn, nhận định: Lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng ngoại là danh tiếng, kinh nghiệm, trình độ quản trị, sức khỏe tài chính. Đây là điều không thể phủ nhận. Song do quy mô hoạt động còn nhỏ nên nhà băng ngoại vẫn chưa thể đáp ứng khả năng cung cấp tín dụng và nhu cầu sản phẩm tài chính đa dạng của khách hàng.
“Do đó, các ngân hàng ngoại dù đang tăng tốc về số lượng nhưng chưa thực sự tạo áp lực lên ngân hàng trong nước. Hơn nữa, các ngân hàng nội có được lợi thế nhờ hiểu văn hóa và thị hiếu người tiêu dùng trong nước hơn các ngân hàng ngoại” - ông Hoàng tự tin.
Tái cơ cấu các công ty tài chính Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ chủ trương tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Trong đó với các ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích mua bán, sáp nhập các ngân hàng quy mô nhỏ thành ngân hàng lớn hơn. Đồng thời Chính phủ tiếp tục cổ phần hóa và thoái vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước như Agribank sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng vào năm 2019; với Ngân hàng BIDV và Vietcombank, Chính phủ có thể là bán bớt vốn hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cơ cấu lại hoạt động của gần 40 công ty tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kể cả bán chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hiện nay NHNN đang xây dựng đề án cụ thể để trình Thủ tướng quyết định. |