Khi cử nhân mặc áo lính

Trong không khí tưng bừng của ngày hội tòng quân trên khắp cả nước, tôi bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc của một cử nhân nhập ngũ (là tôi) cũng sống trong không khí ấy 5 năm về trước...

Nguyễn Thanh Tú trong ngày tốt nghiệp 

Thực ra lúc ấy, tôi vừa tốt nghiệp Đại học, đã đi làm một thời gian, cũng đã có chút ít kinh nghiệm chinh chiến với đam mê ước mơ từ nhỏ. Bao nhiêu cơ hội mở ra trước mắt, biết bao nhiêu lời mời làm việc với lương bổng hấp dẫn...
Tôi có thể được “miễn” nhập ngũ theo diện ưu tiên, thế nhưng tôi vẫn hăng hái đi với trách nhiệm của một công dân đối với đất nước, với sự “bắt chước” các thế hệ đàn anh (như những nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm... họ cũng từng có thời gian sống trong quân ngũ)
Từ tờ mờ sáng ngày lên đường, trên loa phát thanh của xã phát lên bài hát “Tự nguyện”, “Dậy mà đi”, “Thời thanh niên sôi nổi”... tôi xúc động lắm.
Chẳng phải bài hát “Tự nguyện”, “Dậy mà đi” là bài hát truyền thống của phong trào sinh viên Văn khoa, “Hát cho đồng bào tôi nghe” thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước mình đã thuộc lòng nơi trường đại học mình gắn bó 4 năm ở Sài Gòn hay sao... Hay bài “Thời thanh niên sôi nổi” tôi và cả lớp được cô Nhàn Khoa Văn học và Ngôn ngữ cho chép và dạy hát ngay cuối buổi học đầu tiên (đến giờ tôi vẫn còn giữ quyển vở ghi lưu bút lại lời tiếng Việt và tiếng Nga” bài hát trong buổi học hôm đó)
Ôi, thiêng liêng và tự hào, như có một mạch nguồn nối quá khứ với hiện tại...

Chiến sĩ Nguyễn Thanh Tú trong ngày hội tòng quân

Tôi được cử đại diện phát biểu trước toàn thể thanh niên nhập ngũ của địa phương năm đó. Khi ấy, tôi như một tấm gương sáng ngời, một biểu tượng khích lệ tinh thần cho toàn thể các bạn trẻ... Tôi được nhiều phóng viên các báo đài phỏng vấn về tinh thần nhập ngũ...
Khi nhập ngũ, tôi không có ý định sẽ gắn bó với nó lâu dài, tự nhiên có duyên từ đâu trên trời rơi xuống và... thế là...
Với độ lùi về thời gian, suy ngẫm lại tôi mới thấy, việc nhập ngũ đối với tôi là một ngã rẽ, một sự liều lĩnh, một trách nhiệm, một quyết định... và còn là một sự đánh cược bản thân,...
Nhưng nghĩ về những gì đã qua, về thanh xuân, về tuổi trẻ của mình, tôi lại tự hào...

Trung úy, Chính trị viên Nguyễn Thanh Tú 

Dẫu đôi lúc, tôi cảm thấy áy náy với các thầy cô của khoa Báo chí và Truyền thông - nơi chắp cánh cho ước mơ của tôi, các thầy cô bè bạn đồng môn đã kỳ vọng ở tôi, với khả năng và sở trường, tôi có thể sải cánh tung bay với môi trường báo chí truyền thông chuyên nghiệp... với những trải nghiệm mới mẻ hơn...
Để khỏa lấp sự áy náy đó, thời gian qua tôi cũng đã nỗ lực chứng tỏ cho các thầy cô thấy, cho dù ở đâu, làm việc gì thì cũng giữ cho mình tinh thần “đã là dân Khoa Báo, phải biết sống thẳng ngay, trung thực và dũng cảm, cùng nhiệt huyết tràn đầy”...
Tôi sẽ cố gắng làm cho thầy cô, bạn bè luôn tự hào về một cử nhân Báo chí hội tụ đầy đủ tinh thần nhân văn và... máu lửa!
Hôm nay viết những dòng tâm sự này để tự tiếp thêm niềm tin và tự hứa với lòng sẽ mang lại nhiều chiến công để dành tặng cho gia đình, cho quê hương, cho thầy cô, bạn bè và cho những người thân yêu!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm