- Quan bác hôm nay bận chuyện đại sự chi mà không ra lai rai với chúng em?
- Bác bỏ quá cho, làng mình sắp tổ chức lễ hội nên em phải tranh thủ rào lại cái vườn, kẻo bị “tranh cướp lộc bằng những biện pháp thô bạo”.
- Úi giời, chữ nghĩa bác nghe kinh quá! Nhưng vườn nhà bác lưa thưa dăm cái cây, cái hoa, ma nào bén mảng đến? May ra tới rằm bọn nhỏ mới nhào vô lấy bánh trái do chị nhà cúng…
- Phải nào chúng em sợ bọn nhỏ giật đồ cúng, nhìn cảnh bọn chúng tranh giật chúng em vui không hết đấy chứ. Cái em lo là lo chuyện khác cơ!
- Bác bận tâm chuyện gì?
- Bác có chứng kiến mấy lễ hội gần đây không? Bọn thanh niên thấy gì cũng nhào vô tranh cướp rồi choảng nhau tơi tả. Lỡ vài bữa bọn chúng vô nhổ cây vụt nhau để cướp lộc thì vườn nhà em có mà đi đứt.
- Nhớ ngày xưa cũng có những tập tục như cướp vợ, hái lộc nhưng đậm chất văn hóa, có oánh nhau bao giờ đâu! Chả hiểu bọn thanh niên giờ sao côn đồ kinh quá bác ợ. Nhưng… có gì thì để chính quyền nghiêm trị, bác lo chi xa vậy?
- Đợi mấy bác ấy chắc nhà em chết mất. Báo chí đăng cảnh quánh nhau te tua thế mà bác quan huyện cứ cương quyết “sự việc trên là bình thường, bởi đây là phong tục của hội”. Đó là chưa nói quan phó sở văn hóa thì “tôi có thấy hỗn chiến, đánh nhau đâu”. Họ nói thế thì mình biết trông chờ vào ai.
- Ừ nhẩy, có người còn bảo đó là văn hóa nữa. Chả có cái phong tục, cái văn hóa nào khuyến khích người ta phang gậy vào nhau để cướp lộc cả. Thôi bác cứ rào vườn tiếp đi, em về treo bảng bán nhà, dọn tới mấy nơi không tổ chức hội hè cho khỏe.
NGƯỜI SÀNH ĐIỆU