Nửa cuối năm 2022, hệ thống y tế cả nước có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu thuốc điều trị nếu không giải quyết được vấn đề ùn tắc hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc ở Bộ Y tế.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Chính phủ cùng các đơn vị Bộ ngành liên quan cũng đã họp để đưa ra các biện pháp trước mắt và biện pháp mang tính lâu dài.
Trước đó, vào ngày 2-6, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã thông báo gia hạn 4.631 thuốc nội, 1.427 thuốc ngoại và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước ngày 30-6.
Các thuốc được gia hạn thuộc nhiều lĩnh vực điều trị khác nhau như bệnh liên quan đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh amoxicilin, thuốc hạ sốt aspirin... Danh mục này được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và Cục Quản lý Dược.
Như vậy, đợt 1 Bộ Y tế đã gia hạn hơn một nửa trong số trong số 9.797 giấy đăng ký lưu hành thuốc sắp hết hạn. Các hồ sơ hết hạn vào ngày 30-6 được giải quyết trước, thực hiện theo Nghị định số 29/2022 ban hành ngày 29-4.
|
Chiều 11-6, trao đổi qua điện thoại với phóng viên PLO về việc khi nào Cục Quản lý Dược sẽ công bố gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc đợt tiếp theo? TS Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Đăng ký thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết: “Đơn vị vẫn đang trong quá trình xử lý các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc. Hiện chưa trả lời được thời gian cụ thể bao giờ sẽ công bố đợt tiếp theo vì còn phải rà soát. Chúng tôi sẽ cố gắng sớm nhất có thể”.
Thông tin về những vướng mắc trong quá trình xử lý hồ sơ tồn động, ông Lợi cho biết, khối lượng công việc nhiều, nhân sự vẫn tập trung ngày đêm để xử lý hồ sơ tồn đọng.
Theo các chuyên gia, việc cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh chịu ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Trong đó, vấn đề đăng kí lưu hành thuốc và đấu thầu, mua sắm thuốc có tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, phân phối thuốc.
Các doanh nghiệp dược dự kiến, việc cung ứng các thuốc sẽ gián đoạn ít nhất 3 tháng. Tính đến thời điểm này, việc đấu thầu thuốc tập trung quốc gia 2022 - 2023 và công tác đàm phán giá đang được khẩn trương thực hiện, trong khi các cơ sở y tế vẫn chờ kết quả của việc đấu thầu, đàm phán giá để mở các gói thầu cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trong kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15, các ĐBQH đã chỉ ra những khó khăn của ngành y tế cần sớm được tháo gỡ bằng chính sách. Như sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư thuốc men.
Trong năm nay, sẽ có nhiều chính sách của lĩnh vực dược được điều chỉnh, bổ sung. Dư luận kỳ vọng những thay đổi này có tính dài hạn và bền vững để tạo điều kiện cho ngành dược phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài như đổi mới thủ tục đăng kí lưu hành thuốc thông qua việc Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư thay thế Thông tư 32/2018/BYT.
Bộ Y tế cũng đang trong quá trình lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Dược sửa đổi nhằm hoàn thiện khung pháp lý theo yêu cầu của thực tế đặt ra và tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng hơn.