Khi nào cần mổ trĩ?

Trả lời:

Bệnh trĩ rất phổ biến, bệnh không nguy hiểm nhưng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Khi mắc bệnh, búi trĩ lồi ra, bệnh nhân thường thấy đau, chảy máu. Thông thường, người ta chia 2 loại: trĩ ngoại và trĩ nội. Trĩ nội là những búi trĩ xuất phát từ những búi tĩnh mạch trĩ nằm trong lòng hậu môn, phía trên đường lược, khi phồng to quá mức thì sẽ sa ra ngoài. 

Tùy mức độ sa của các búi trĩ nội ra ngoài mà người ta chia làm 4 độ: Độ 1 là các búi trĩ phồng to hơn mức bình thường nhưng vẫn nằm trong lòng ống hậu môn ngay cả khi bệnh nhân rặn mạnh, có thể gây ra chảy máu khi đi cầu; Độ 2 là búi trĩ có thể thập thò ở hậu môn khi bệnh nhân rặn mạnh; Độ 3 là các búi trĩ lồi hẳn ra ngoài khi bệnh nhân đi cầu hoặc làm việc nặng, bệnh nhân phải dùng tay đẩy búi trĩ vào; Độ 4 là độ nặng nhất, búi trĩ gần như thường xuyên nằm bên ngoài hậu môn không thể đẩy vào được.

Trĩ ngoại thì xuất phát từ những đám rối tĩnh mạch nằm dưới da xung quanh lỗ hậu môn, nó nằm hoàn toàn bên ngoài ống hậu môn, được bao bọc bằng da hậu môn. Việc điều trị có thể được bảo tồn bằng nội khoa hoặc bằng thủ thuật hay phẫu thuật tùy thuộc mức độ nặng hay nhẹ.

Về phẫu thuật thì tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể. Thông thường, khi mắc trĩ, điều trị không cải thiện thì các bác sĩ sẽ xem xét đến vấn đề phẫu thuật. Để biết bố mình có cần mổ hay không, bạn nên đưa bố đi khám để được tư vấn cụ thể.      

  BS. Nguyễn Văn Long

Theo SK&ĐS

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm