Khi nào cha, mẹ bị tước quyền nuôi con?

(PLO)- Bạn đọc thắc mắc liệu người mẹ của bé trai bị nghi ép hút ma túy có được tiếp tục nuôi con? Cha, mẹ sẽ bị tước quyền nuôi con trong trường hợp nào?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những ngày qua, thông tin về một bé trai ba tuổi bị bạo hành ở huyện Hóc Môn, TP.HCM nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.

Cụ thể, tối ngày 24-3, trên mạng xã hội lan truyền nhiều clip về một bé trai chừng ba tuổi bị một người đàn ông xăm trổ hành hạ, nghi ép sử dụng chất ma túy có sự chứng kiến của mẹ. Được biết bé trai ở chung với người mẹ và người đàn ông xăm trổ kia là người tình của người mẹ.

Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đưa bé trai đi giám định, kiểm tra sức khỏe. Sau khi kiểm tra, bé âm tính với ma túy, sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu bất thường, hiện công an đang hoàn tất các thủ tục để bàn giao bé cho gia đình chăm sóc.

Trước sự việc trên, một số bạn đọc thắc mắc: Liệu người mẹ có được quyền tiếp tục nuôi con? Trong trường hợp nào thì cha, mẹ sẽ bị tước quyền nuôi con?

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Theo quy định tại Điều 85 của Luật Hôn nhân và gia đình thì cha mẹ có bốn hành vi sau đây có thể bị Toà án hạn chế quyền nuôi con, cụ thể:

Thứ nhất, bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

Thứ hai, phá tán tài sản của con;

Thứ ba, có lối sống đồi trụy;

Thứ tư, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội liên hiệp phụ nữ...để có thể ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ một năm đến năm năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.

Như vậy cha, mẹ sẽ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong những trường hợp bị kết án về một trong bốn hành vi nêu trên. Chỉ có Tòa án mới quyết định được việc này.

Cũng cần nói rõ thêm là mọi việc quyết định liên quan đến trẻ em đều phải đặt trẻ em làm trung tâm, chọn cách nào để tốt nhất cho đứa trẻ. Việc chăm sóc trẻ em phải do cha, mẹ thực hiện. Nếu cha mẹ bị hạn chế quyền nuôi con đối với con chưa thành niên thì đứa trẻ sẽ được giao cho người thân thích khác, họ hàng nuôi dưỡng. Nếu đứa trẻ không còn ai thân thích nuôi dưỡng thì các cơ quan chức năng mới tìm người trong cộng đồng chăm sóc, nuôi dưỡng. Giải pháp cuối cùng mới đưa đứa trẻ vào chăm sóc tại trung tâm bảo trợ xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…