Liên quan đến thông tin vụ việc nghi vấn bé trai VQK (11 tuổi, ngụ tại chung cư The Flemington) bị bạo hành, tối 6-11, UBND phường 15 (quận 11, TP.HCM) tổ chức cuộc họp công khai tại chung cư Flemington để thông báo cho Ban quản lý, Ban quản trị và toàn thể cư dân.
Người dân cho rằng phường thông báo quá sớm
Theo UBND phường 15, đây là cuộc họp “công khai kết quả giám định của cơ quan chức năng và thông tin không có vụ việc bạo hành trẻ em trên địa bàn phường 15”. Cuộc họp có sự tham dự của các đơn vị liên quan gồm cả công an và luật sư đại diện cho mẹ ruột của bé K.
Bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường tại cuộc họp tổ chức ở chung cư Flemington tối 7-11. Ảnh NT.
Giấy mời của UBND còn ghi rõ về một nội dung khác là “vận động người dân không nên tin vào lời lẽ kích động, sai sự thật của một số cá nhân đang cư trú trong tòa nhà và chờ thông báo kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 11”.
Rất nhiều cư dân, cơ quan báo đài và ban ngành đoàn thể phường 15 cũng tham dự cuộc họp. Ảnh NY.
“Trong lúc đang chờ cơ quan công an có kết luận, viện kiểm sát thông qua thì UBND phường có vội vã không khi đã kết luận không có vụ việc bạo hành trẻ em tại chung cư Flemington và thông báo công khai cho toàn thể cư dân. Như vậy có sự nhầm lẫn nào chăng?”.
Tuy nhiên, bà Phượng, Phó chủ tịch UBND phường không trả lời câu hỏi này.
Theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM, sau khi bé K. đi học, cô giáo phát hiện nhiều dấu vết trên người nên nghi bé bị đánh. “Nhà trường đã liên hệ với tổng đài Bảo vệ trẻ em quốc gia 111. Liền đó tổng đài 111 điện thoại chỉ đạo Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam. Tôi và chị phó chủ tịch Hội đã ngay từ đầu đã vào cuộc” –Luật sư Nữ nói.
Sau sự việc xảy ra, bé K đã được đưa đi thăm khám. Ảnh NDCC.
Luật sư Nữ cũng phản bác việc UBND phường thông báo về kết quả giám định 0% và thông tin cho cư dân rằng không hề có xảy ra bạo hành là chưa hợp tình, hợp lý. “Đối với trẻ em, chiếu theo luật thì dưới 11% cũng phải khởi tố hình sự. Bên cạnh đó, nếu không có bạo hành thì bé tự gây ra các vết thương trên cơ thể nhưng vết thương ở rất nhiều vị trí mà bé không thể tự gây ra như lưng, mông…”.
“Bên cạnh đó, sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi có làm việc với cha ruột của bé, người này có làm cam kết là sẽ không đánh bé nữa. Như vậy là có đánh rồi, sao UBND phường lại có thể kết luận là không có bạo hành?”, luật sư Nữ thắc mắc.
Luật sư Ngô Thị Hoàng Anh, đại diện cho chị NTHY (sinh năm 1983, mẹ ruột cháu K.) cho biết chị Y. đã viết đơn kiện Chủ tịch UBND phường 15 gửi tòa án nhân dân quận 11.
Vị luật sư đại diện nói: “Sau khi biết tin, chị Y. có ủy quyền tôi liên hệ trực tiếp với ông chủ tịch UBND phường 15 để yêu cầu cách ly bé và giao trả trở về quyền nuôi con cho mẹ ruột. Trong luật ghi rõ, bạo hành không phải chỉ là gây thương tích bao nhiêu phần trăm mà đánh bé, chửi bé, gây tổn hại tinh thần của bé đã được gọi là bạo hành rồi.
Cũng chiếu theo luật, 12 giờ sau khi phát hiện trẻ bị bạo hành phải thực hiện cách ly trẻ ngay. Trong khi tôi tiếp xúc vụ này vào ngày 27, tức là đã trải qua 9 ngày đêm rồi. Thời gian đó, tôi nhiều lần tới ngồi chờ ông chủ tịch phường ở Ủy ban nhưng không được gặp và bé cũng không được cách ly”.
Những vết thương cũ và mới trên người bé K. Ảnh NDCC.
Một đại diện khác của chị Y. là luật sư Nguyễn Thị Sinh cho rằng dù chị Y. nhiều lần đòi được gặp con, đưa con đến yêu cầu UBND phường giải quyết vì mình được quyền nuôi con hợp pháp tuy nhiên yêu cầu của chị Y. vẫn không được giải quyết.
Người cha cam kết không đánh con nữa
Bà Huỳnh Thị Kim Phượng, Phó Chủ tịch UBND phường, cho biết khi tiếp nhận thông tin phản ánh bên tổng đài 111, UBND phường cũng có những bước làm việc ban đầu. Qua làm việc, lực lượng cảnh sát điều tra cũng vào cuộc để điều tra.
“Lúc đó, UBND phường đợi kết quả điều tra của công an quận. Bên cạnh đó, khi làm việc với ba bé thì ông Q. cũng thừa nhận là do trẻ quá nghịch nên mới đánh hơi nặng tay. Phường cũng đã mời ông lên làm việc và làm cam kết không bạo hành bé nữa”.
“Liên quan đến sự việc bé K. ở với cha hay mẹ ruột, việc này thực hiện theo bản án của tòa. Nếu họ không thực hiện thì UBND phường không thể can thiệp bắt đứa trẻ giao cho ai cả. Hiện nay, qua việc điều tra của công an, đứa trẻ lại nói không dám ở với mẹ vì sợ cha dượng” – bà Phượng tiếp.
Luật sư Nguyễn Thị Sinh cũng đặt câu hỏi với đại diện lãnh đạo UBND phường hiện tình trạng cháu bé ra sao. "Tôi muốn nói đến vai trò của UBND phường là nơi xảy ra sự vụ, thì đến giờ này cháu bé hiện nay ra sao? Để cho tất cả cư dân được biết". Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND phường không trả lời.
Bên lề cuộc họp, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ bày tỏ lo lắng: “Việc một đứa trẻ trong tâm lý bị bạo hành hơn 1 năm nay, được tiếp tục giao về nơi đã bạo hành, thì những lời khai của cháu là sẽ bị chi phối. Người lớn ra tòa còn đổi lời khai xoành xoạch mà...".
Mẹ bé K., chị Y. cho biết sau phiên tòa ly hôn giữa chị và ông Q. vào năm 2011 thì chị được quyền nuôi bé K. Thời điểm đó, bé K. mới một tuổi.
Năm 2017, cháu K. được ông Q. đưa vào TP.HCM chơi, sau đó ông Q. giữ con lại nuôi đến nay.
Đã gửi báo cáo vụ việc cho Sở LĐ-TB&XH Sáng 7-11, ông Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận 11, TP.HCM cho biết liên quan đến vụ việc nghi ngờ cháu VQK (10 tuổi, ở tòa nhà Flemington, quận 11) bị cha ruột và mẹ kế bạo hành, UBND quận này đã có báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Báo cáo cho thấy tháng 9-2019, phòng LĐ-TB&XH quận 11 tiếp nhận thông tin việc cô giáo của K. phát hiện vùng mông của cháu có nhiều vết đánh thâm, tím nghi bị bạo hành. Ngày sau đó, cơ quan chức năng quận 11 vào cuộc xác minh và đã làm việc với ông Q. (cha ruột cháu K.) cùng mẹ kế cháu K. Ông Q. thừa nhận có dùng thanh nhựa (đồ chơi trẻ con) đánh vào mông cháu K. dẫn đến thâm, tím. Lý do K. không nghe lời, không làm bài tập và thường nói dối. Mục đích đánh K. là để dạy bảo, không phải bạo hành. Cơ quan chức năng yêu cầu ông Quang làm cam kết dạy dỗ cháu K. nhẹ nhàng hơn, tránh ảnh hưởng tâm lý. Đến ngày 21-9, một số báo đăng tải nội dung nghi vấn cháu K. bị cha ruột và mẹ kế bạo hành, cho uống nước sôi và ăn phân mèo. Để xác mnh thông tin, cơ quan chức năng gặp riêng cháu K. tại nhà. Cháu K. khẳng định việc bị uống nước sôi và ăn phân mèo như báo chí đưa tin là không có. Ông Nguyễn Phi Long còn cho biết CSĐT Công an quận 11 cũng đã vào cuộc điều tra và đã có báo cáo gửi UBND quận này. Theo báo cáo, cơ quan điều tra đã đưa cháu K. đi giám định thương tích để làm căn cứ xử lý vụ việc. Kết quả cháu K. bị đa chấn thương gây sưng bầm mô mềm đã được điều trị, hiện còn diện bầm cũ tại vùng thắt lưng mông, tình trạng ổn định. Kết quả giám định còn kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 0%. TRẦN NGỌC |