Sở GTVT TP.HCM cho biết đường Tân Kỳ - Tân Quý kết nối với quốc lộ 1A, phân đoạn An Sương - An Lạc trực thông với đường Mã Lò - Tân Kỳ Tân Quý để liên thông với các đường trục chính về hướng Đông Nam, quận Bình Tân.
Dự án này còn liên thông với các trục đường như Bình Long, đường Lê Trọng Tấn, đường Âu Cơ, Trường Chinh, Cộng Hoà... để kết nối về trung tâm TP.
|
Người dân phải lưu thông trên cây cầu sắt tạm khi cầu Tân Kỳ -Tân Quý chưa hoàn thành. Ảnh: LINH PHƯƠNG. |
Sở GTVT TP cho rằng về lâu dài sẽ dẫn đến việc gia tăng lượng cư dân và hàng hoá lưu thông trên tuyến rất lớn. Do đó, cây cầu này đóng vai trò quan trọng trong việc giảm áp lực giao thông nội đô. Các phương tiện giao thông dễ dàng tiếp cận với hệ thống giao thông vùng, giao thông đối ngoại và trung tâm TP thông qua trục Tân Kỳ- Tân Quý.
Sở GTVT TP cũng cho biết cầu Tân Kỳ- Tân Quý được xây dựng trước năm 1975, có vị trí nằm trên trục đường Tân Kỳ- Tân Quý, bắc qua kênh Tham Lương - Bến Cát. Cầu có chiều dài 14 m và rộng 9.8 m, giới hạn tải trọng xe 5 tấn qua cầu.
Năm 2012, cầu được đưa vào danh mục cầu yếu và cần được cải tạo nâng cấp hoặc xây dựng cầu mới.
Trước khi xảy ra sự cố, TP.HCM cũng đang hoàn tất thủ tục quy định về đầu tư công để triển khai đầu tư bằng ngân sách TP. Tuy nhiên, tới năm 2016, cầu Tân Kỳ -Tân Quý bị sự cố, không thể tiếp tục khai thác.
Sở GTVT TP cho rằng trong bối cảnh ngân sách TP còn hạn hẹp và trước tình hình cấp bách khắc phục sự cố hư hỏng cầu, cần rút ngắn thủ tục để đẩy nhanh tiến độ.
Dự án cầu Tân Kỳ- Tân Quý trước đó đã được thực hiện theo hợp đồng BOT đã ký kết giữa công ty IDICO-IDI với UBND TP.HCM. Dự án này hiện đang được TP chấp thuận cho công ty IDICO-IDI thực hiện bổ sung một số công trình và hoàn vốn bằng việc kéo dài thời gian thu phí.
Sở GTVT TP cho rằng việc đầu tư bổ sung cầu mới Tân Kỳ Tân Quý là cần thiết nhằm đảm bảo thực hiện ngay khắc phục sự cố và giảm việc sử dụng nguồn vốn ngân sách trong kế hoạch đầu tư vốn trung hạn. Từ đó, đảm bảo an toàn các phương tiện lưu thông qua nút giao nhanh hơn, mang lại hiệu quả vận tải cho các phương tiện.
Sau đó, đầu năm 2018, dự án này đã được khởi công, dự kiến hoàn thành cuối năm 2018. Tuy nhiên, dự án mới hoàn thành 70% đã tạm ngưng từ cuối năm 2018 cho tới nay, do chưa hoàn tất công tác bồi thường, GPMB.
Các khối lượng còn lại gồm: Đường dẫn cầu, đường gom, thoát nước, tổ chức giao thông, chiếu sáng, cây xanh chưa triển khai, hoặc mới khởi công một phần.
Theo đó, Sở GTVT TP đề xuất sớm đầu tư xây dựng hoàn tất công trình còn dang dở để tạo điều kiện cho người dân, hạn chế việc phát sinh chi phí sử dụng vốn và các chi phí liên quan đến GPMB.
Tuy nhiên, khi dự án chuyển đổi từ hình thức đầu tư, nguồn vốn đầu tư PPP sang đầu tư công là chưa có tiền lệ. Pháp luật về xây dựng, tài chính, đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư chưa quy định đầy đủ về trình tự thủ tục và nội dung liên quan. Do vậy, thời gian thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến hoàn thiện dự án còn bị ảnh hưởng.
Theo đó, để tiếp tục hoàn thiện dự án thì cần khoảng 491 tỉ đồng. Dự kiến thời gian thực hiện, khả năng huy động các nguồn lực theo thứ tự ưu tiên, hợp lý đảm bảo đầu tư tập trung.
Trường hợp được thông qua, trong năm nay các đơn vị sẽ thanh toán chi phí nhà đầu tư đã bỏ ra làm dự án và hoàn tất duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án sẽ được GPMB, thi công các hạng mục còn lại trong hai năm tới để khai thác vào năm 2025.
Theo đó, Sở GTVT TP trình HĐND TP.HCM xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ -Tân Quý, quận Bình Tân.
Trong đó, cầu chính dài 82,9 m, rộng 16 m cho bốn làn ô tô, lề bộ hành mỗi bên rộng 1,5 m.
Ở hai bên cầu chính và đường dẫn đều có đường cặp hông rộng 7-10 m. Vì thế toàn bộ chiều rộng của cầu, đường dẫn, đường cặp hông và vỉa hè là trên 30-40 m.
Đường và cầu Tân Kỳ Tân Quý mở rộng và kéo dài ra đến ngã ba Mã Lò và ngã ba quốc lộ 1. Việc mở rộng này sẽ được làm cùng lúc với xây cầu để cải tạo, hình thành nút giao mới rộng rãi ở khu vực đầu tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý.