Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 25-8-2022 liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, thay thế cho Nghị định 155/2016 và Nghị định 55/2021.
Nhiều địa phương trên địa bàn TP.HCM đang chờ hướng dẫn phân loại rác tại nguồn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU |
Nghị định 45 đã bổ sung nhiều quy định mới liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, trong đó có quy định xử phạt hành vi không phân loại rác.
Cụ thể, tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 45 quy định hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn là trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân đã được quy định cụ thể tại Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Một trong những vấn đề mà người dân ở TP.HCM quan tâm là khi nào TP sẽ xử phạt nếu người dân không phân loại rác đúng quy định.
Giải đáp thắc mắc này, đại diện sở TN&MT TP.HCM cho biết: Việc không phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn được Chính phủ quy định tại Nghị định 45/2022 có khung phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 chưa quy định cụ thể việc phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn thành bao nhiêu loại. Do đó, trong giai đoạn từ năm 2016-2020, TP triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với công nghệ xử lý của TP. Trong giai đoạn này, TP chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở người dân thực hiện.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022, trong đó quy định cụ thể chất thải rắn sinh hoạt được phân làm ba loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng; Chất thải thực phẩm và Chất thải rắn sinh hoạt khác; lộ trình thực hiện chậm nhất đến ngày 31-12-2024.
"Được biết, hiện Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt để hướng dẫn các địa phương thống nhất áp dụng. Sau khi có văn bản hướng dẫn của bộ, Sở TN&MT sẽ tham mưu, trình UBND TP.HCM lộ trình cụ thể triển khai để đảm bảo việc phân loại chất thải sinh hoạt theo quy định" - đại diện Sở TN&MT thông tin.
Trong giai đoạn này, Sở TN&MT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ các quy định, chính sách mới và chủ động tham gia thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn.