Luôn tôn trọng và hỏi ý kiến của chồng
Dù các chuẩn mực xã hội ngày nay đã thay đổi khá nhiều xong trong hệ tư tưởng của đại đa số đều cho rằng người chồng có vai trò quyết định các vấn đề gia đình. Chồng bạn chắc hẳn không nằm ngoài nhóm người này. Thay vì tự mình quyết định mua một chiếc tủ lạnh mới, hãy trao đổi với chồng để đưa ra quyết định.
Đừng gạt chồng ra ngoài
Với phụ nữ, càng thành công trong sự nghiệp nghĩa là họ càng có ít thời gian cho gia đình. Nhiều người còn ham tiền đến mức quên cả chồng, con. Họ cũng có rất ít cơ hội để chia sẻ với chồng - người đang hậm hực, khó chịu vì vợ thăng tiến nhanh. Sau đó, mối quan hệ vợ chồng có thể bị đẩy xa hơn.
Cùng chia sẻ quyết định về tài chính
Cho dù ai sẽ là người chi tiền, trước mỗi vấn đề liên quan đến tài chính như các khoản phí, các loại hóa đơn, tiền du lịch, mục tiêu tương lai… hãy cùng nhau bàn bạc. Như thế bạn sẽ giúp chồng cảm thấy anh ấy là “người trong cuộc”, tiếng nói có trọng lượng, có một phần trách nhiệm với tài chính gia đình.
Trung thực
Bắt đầu mọi cuộc thảo luận với tinh thần cởi mở thái độ trung thực nhất. Thật thà ngay cả trong việc công khai thu nhập và chi tiêu của bạn. Đừng tự ý làm theo cách bạn muốn và giấu nhẹm, không nói gì với chàng. Đến lúc chàng phát hiện ra, cảm giác bực tức và cay đắng càng tăng lên gấp bội.
Đừng “trợ cấp” cho chồng
Không nên đều đặn chu cấp cho chồng, cũng không nên để anh ấy phải thường xuyên “xin” tiền bạn. Tốt nhất là nên có 3 tài khoản: “Của anh”, “của em” và “của chung”. Như thế anh ấy sẽ vẫn được độc lập tài chính, tự do tiêu những khoản riêng của mình. Tài khoản chung thì dành cho những hóa đơn, tiền chợ, tiền ăn tối… Với một khoản nhất định mỗi tháng trong tài khoản chung, cả hai đều có thể tiêu nếu cần. Chồng bạn có thể sử dụng tài khoản đó như tài khoản của anh ấy mà không cần phải bối rối như trẻ con khi liên tiếp hỏi bạn đưa thêm ít tiền mặt.
Chuyển mối quan tâm về tài chính xuống dưới
Tiền thường là nguyên nhân gây tranh cãi trong hầu hết mọi gia đình. Trong khi đàn ông cực kỳ nhạy cảm với vấn đề này thì tốt nhất hạn chế nhắc đến chữ tiền trong các cuộc nói chuyện. Thay vào đó, hãy chuyển mối quan tâm của hai vợ chồng sang việc chăm sóc con cái, sở thích, một người bạn hay đơn giản là một bộ phim, một đĩa CD ca nhạc. Hãy làm không khí gia đình trở nên dễ thở hơn với những nội dung liên quan đến giải trí.
Luôn động viên chồng
Hãy ghi nhận những điều anh ấy làm tốt, ví như sửa chữa đồ đạc trong nhà, quản lý ngân sách hay đơn giản ngợi ca rằng anh ấy là người rất đam mê công việc. Cho anh ấy biết bạn trân trọng những phẩm chất đó ở anh như thế nào, biết ơn những điều anh làm cho gia đình ra sao. Nói với anh ấy, những gì anh đã mang lại cho gia đình cũng quý giá như những gì bạn cố gắng mang lại cho gia đình vậy.
Nắm bắt những phản ứng tiêu cực của chồng
Tìm đến rượu để giải tỏa: Bất mãn và dằn vặt khiến họ tìm đến rượu và lạm dụng thuốc… từ đó dẫn đến tình trạng suy sụp tinh thần và thể chất.
Ngoại tình: Đa phần đàn ông đi tìm cảm giác khỏa lấp và thể hiện cái tôi với một người đàn bà khác như là sự “trả thù” và xoa dịu cảm giác bất mãn của chính mình.
Bạo hành: Phần lớn hành vi bạo hành của chồng dành cho vợ bắt nguồn từ thái độ bất mãn và tự huyễn hoặc bản thân, họ dùng vũ lực để “răn đe” vợ và giữ thế “bề trên” của mình.
Hậu quả và giải pháp: Tất nhiên, không thể bỏ qua được những đứa con, chúng buộc phải chứng kiến những trận cãi cọ, xung đột của cha mẹ. Bản thân người vợ cảm thấy mình bị đối xử bất công vì sự cố gắng chu toàn cho gia đình. Nếu một người phụ nữ quyết liệt, khi đã tự chủ về tài chính, họ sẽ quyết định việc ly hôn một cách nhanh chóng.
Theo Webphunu.net