Khó đoán ai vô địch V-League

Cách phân hai nhóm đá tranh vô địch và xuống hạng của V-League mùa này trên lý thuyết sẽ rất hấp dẫn vì các đội phải dốc hết sức mình cho từng trận để đạt mục tiêu. Tuy nhiên, không phải đội nào cũng đủ lực đá bền bỉ cho đến trận cuối cùng đều như chung kết.

Đáng chú ý, tám đội xếp trên chỉ hơn kém nhau 2-4 điểm nên cuộc cạnh tranh dự báo sẽ rất khốc liệt nhưng thực tế không loại trừ kiểu “đá cho vui” vì sức người có hạn.

Sài Gòn (24 điểm) đang dẫn đầu bảng; tiếp theo là Viettel (22 điểm); Than Quảng Ninh (21 điểm); Hà Nội, TP.HCM, B. Bình Dương, HA Gia Lai (có cùng 20 điểm) và Hà Tĩnh (18 điểm) không quá cách biệt. Nhưng sau lượt đi gần như lột tả hết sức mạnh của mỗi CLB cùng thước đo tham vọng của họ, cuộc chơi gần như chỉ còn lại bốn cái tên: đương kim vô địch Hà Nội, á quân TP.HCM và hai đội bóng mới nổi Sài Gòn, Viettel.

Dù thua đội dẫn đầu 4 điểm nhưng Hà Nội FC vẫn là đội bóng có nhiều tiềm năng bởi lứa cầu thủ giàu kinh nghiệm và lực lượng có chiều sâu. Ảnh: NGỌC DUNG

Về nhì lượt đi sau 13 vòng đấu, Viettel nổi lên như một hiện tượng mới ở V-League khi không tiếc tiền mua sắm cầu thủ chỉ sau TP.HCM. Họ là đội duy nhất đánh bại Sài Gòn FC nhưng nghiệt nỗi phong độ của các học trò HLV Trương Việt Hoàng cho thấy sự trồi sụt thất thường. Viettel có dàn cầu thủ dự bị gồm nhiều tuyển thủ U-23 có chất lượng, lại thiếu nhiều kinh nghiệm thi đấu. Một suất trong tốp có huy chương là khả dĩ hơn cho Viettel chứ không phải ngôi vô địch.

Tương tự, nhà á quân TP.HCM cũng bỏ rất nhiều tiền đưa về những cái tên cầu thủ có tiếng mà tiếc là giá trị một số chưa tương xứng. Ví như thủ môn Bùi Tiến Dũng ra sân chín trận để lọt lưới 21 bàn sẽ khiến Công Phượng và đồng đội phải cày ải cật lực hơn. TP.HCM đang rất kỳ vọng vào hai chân sút tân binh tuyển Costa Rica sẽ hòa hợp hơn với lối chơi chung để lấy công bù thủ và khả năng lên ngôi của thầy trò HLV Chung Hae-seong phụ thuộc rất lớn vào canh bạc này.

Đội dẫn đầu Sài Gòn chiếm lợi thế nhất ở tâm lý thoải mái do lãnh đạo không đặt quá nặng áp lực phải vô địch, giúp cho tinh thần chiến đấu của họ sung mãn hơn. Sài Gòn có nhà cầm quân Vũ Tiến Thành ngoài những bằng cấp quốc tế còn giàu kinh nghiệm qua các đời HLV ngoại như Weigang, Colin Murphy, Dido, Riedl, Calisto… nhưng càng vào sâu cuộc chơi ông càng hiểu dẫn dắt một đội bóng đá V-League không chỉ là bằng cấp, kinh nghiệm mà còn nhiều vấn đề không có trong trường lớp. Sài Gòn FC là hiện tượng ở giai đoạn 1 với lối đá biết người biết ta nhưng cái khó là lực lượng mỏng và chênh lệch về chuyên môn giữa đội hình chính thức và phần còn lại. Hơn nữa, sự dựa dẫm vào hai tiền đạo Brazil quá lớn sẽ khiến họ không có nhiều cách xoay xở khi bị bắt bài hoặc một trong hai phải nghỉ do thẻ phạt hay chấn thương.

Đáng ngại nhất cho các đối thủ vẫn là Hà Nội có nội lực đồng đều dù không phải mạnh nhất. Tiếc cho HLV Chu Đình Nghiêm mất gần hết hàng thủ do chấn thương trong lúc chân sút giỏi Rimario vừa trở lại còn gượng gạo. Chút khó khăn của nhà đương kim vô địch là cần duy trì sức khỏe ổn định cho đội hình chính sẽ làm họ mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, dù đá bằng phương án B nhưng Hà Nội vẫn là đội bóng có lực lượng dày nhất, nhiều kinh nghiệm nhất cùng dàn cầu thủ chất lượng nhất.

Những đội bóng vừa đá vừa nhìn

Ở lượt về tranh chức vô địch V-League 2020, các đội bị đặt bên lề cuộc đua là Than Quảng Ninh, B. Bình Dương, HA Gia Lai và tân binh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, bốn đội bóng này có tính quyết định rất lớn đến sự thành bại của các CLB có tham vọng và thực lực. Chẳng hạn, HA Gia Lai sẽ rất nhớ TP.HCM về trận thắng 5-2 ở sân Pleiku để nằm trong tốp 8, hay Than Quảng Ninh không quên ơn nghĩa của bầu Hiển. Đội bóng Hà Nội cũng có trợ thủ rất đắc lực là thành phần cầu thủ sân sau và HLV Phạm Minh Đức về gầy dựng cho phong trào bóng đá Hà Tĩnh. Riêng với B. Bình Dương, dù không rộng cửa chạy đua vô địch trong giai đoạn chuyển giao lực lượng vẫn biết cách chọn bạn mà chơi sao cho có lợi nhất. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm