Khó đoán điểm sàn, điểm chuẩn ngành y, dược và sư phạm

Năm 2021, theo công bố của Bộ GD&ĐT, nhóm ngành đào tạo giáo viên có mức điểm sàn 17-19 điểm, tăng khoảng 0,5 điểm so với năm 2020. Còn với nhóm ngành sức khỏe, điểm sàn chỉ tăng 1 điểm ở hai ngành răng hàm mặt và y khoa là 22 điểm, còn lại giữ nguyên mức 19 điểm.

Điểm sàn, điểm chuẩn ngành sức khỏe không tăng?

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) năm 2021, các trường thuộc khối đào tạo nhóm ngành sức khỏe đã lần lượt công bố điểm sàn từng ngành học cụ thể.

Nhìn chung, mức điểm sàn năm nay ở các trường không có nhiều biến động và đúng với dự báo trước đó khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT.

Như tại Trường ĐH Y Dược TP.HCM, mức điểm sàn tương tự năm 2020, chỉ 19-23 điểm. Trong đó, điểm cao nhất vẫn thuộc hai ngành răng hàm mặt và y khoa, theo tổ hợp B00 (toán, hóa, sinh). Kế đến là các ngành có mức điểm từ 21, gồm dược học, y học dự phòng, y học cổ truyền.

Tương tự, điểm sàn Trường ĐH Dược Hà Nội năm nay cũng như năm 2020, với 21 điểm, áp dụng cho cả hai ngành dược học và hóa dược.

Còn Trường ĐH Y Hà Nội cũng dự báo năm nay điểm sàn không biến động nhiều. Điểm chuẩn cũng sẽ tương tự năm 2020, thậm chí một số ngành có thể giảm nhẹ.

Theo phân tích của một cán bộ tuyển sinh tại một trường có đào tạo nhóm ngành sức khỏe, năm nay điểm thi từng môn trong tổ hợp B00 khá cao ở môn sinh và hóa, riêng môn toán chỉ tương đương năm 2020. Do đó, những ngành có tuyển tổ hợp này dự báo điểm chuẩn năm nay sẽ tăng 1-1,5 điểm, có ngành sẽ không tăng hoặc có hướng giảm nhẹ, trong đó chủ yếu là khối sức khỏe.

“Các trường đào tạo sức khỏe hay sư phạm thường chủ yếu tuyển sinh dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT nên điểm chuẩn sẽ không biến động nhiều. Tuy nhiên, điểm cao năm nay khá nhiều, thí sinh (TS) có điểm cao đừng chỉ tập trung vào những ngành hot của các trường y, dược mà nên mở rộng thêm nhiều nguyện vọng ở các ngành tương tự để thêm cơ hội hơn” - vị này chia sẻ.

Thí sinh trao đổi, tìm hiểu thông tin với cán bộ tuyển sinh về các ngành sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: PHAN QUỐC 

Điểm sàn khối ngành sư phạm tăng nhẹ

Tương tự nhóm ngành sức khỏe, với nhóm ngành đào tạo giáo viên, một số trường có mức điểm sàn tăng nhẹ so với năm 2020 và so với điểm sàn của Bộ GD&ĐT. Những ngành có điểm sàn tăng chủ yếu là ngành thu hút sự quan tâm của TS.

Theo như công bố của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm sàn xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay ở các ngành sư phạm dao động từ 18 đến 21 điểm. Trong đó, cao nhất vẫn là sư phạm toán (cả với dạy toán bằng tiếng Anh) và sư phạm ngữ văn đều có mức 21 điểm.

Còn tại TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM điểm sàn của 18 ngành đào tạo giáo viên năm nay khá cao, khi ở mức từ 18 đến 23 điểm.

Trong đó, cao nhất là ba ngành sư phạm hóa học, sư phạm toán học và sư phạm tiếng Anh với 23 điểm.

ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng phòng Đào tạo của trường, cho biết điểm sàn khối ngành đào tạo giáo viên năm nay cao hơn 0,5 điểm so với điểm sàn năm 2020. Việc tăng này chủ yếu dựa trên kết quả điểm thi tốt nghiệp (phổ điểm mà Bộ GD&ĐT đã công bố) cùng với thống kê nguyện vọng của TS đã đăng ký ở lần đầu tiên.

Từ đây, ThS Quốc cho rằng điểm sàn tăng này có thể tác động đến điểm chuẩn cũng tăng nhưng với mức này thì dự báo là tăng không nhiều, dao động trong mức 0,5 điểm.

“Điều quyết định việc thay đổi mức độ tăng này chính là số TS đăng ký xét tuyển sau đợt điều chỉnh nguyện vọng sắp tới. Nếu việc điều chỉnh có nhiều biến động thì điểm chuẩn sẽ thay đổi nhưng theo kinh nghiệm của nhiều năm trước thì số lượng TS xét tuyển vào sư phạm khá ổn định trước và sau điều chỉnh” - ông Quốc nói.

Bên cạnh đó, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng vừa quyết định hủy kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do dịch bệnh COVID-19.

Thay vào đó, trường sẽ điều chuyển chỉ tiêu mà TS đã đăng ký xét tuyển bằng kỳ thi này sang phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Do đó, ThS Quốc lưu ý những TS muốn điều chỉnh nguyện vọng thì nên tham khảo, tìm hiểu thật kỹ thông tin tuyển sinh của các trường. Vì lần điều chỉnh này rất quan trọng.

“Về điểm sàn thì các em có thể chỉ là tham khảo, điểm chuẩn vẫn phải đợi đến khi có kết quả xét mới chính xác được. Do đó, nếu các em có điểm gần với điểm những năm trước thì hoàn toàn có thể đăng ký vào nguyện vọng mình yêu thích” - ThS Quốc khuyên.

Thêm cơ hội cho thí sinh được đặc cách tốt nghiệp

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố số liệu gần 15.000 TS không thể tham gia hai đợt của kỳ thi tốt nghiệp THPT vì dịch bệnh COVID-19, nhiều trường đã có những phương án tuyển sinh bổ sung nhằm tạo cơ hội vào ĐH cho các em.

Như Trường ĐH Y Dược TP.HCM lần đầu tuyển TS được đặc cách bằng điểm năng lực, với chỉ tiêu không quá 3% theo từng ngành của trường.

Cụ thể, trường sẽ xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2021, kết hợp với kết quả học tập THPT, không cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.

Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng dành 41 chỉ tiêu để tuyển sinh cho nhóm đối tượng TS được xét đặc cách tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trong đó, 25 chỉ tiêu dành cho TS có hộ khẩu tại TP.HCM và 16 em hộ khẩu ở các tỉnh.

Điểm xét tuyển dựa vào kết quả điểm trung bình học tập từng môn toán, hóa, sinh của năm học kỳ THPT.

Còn tại Trường ĐH Y Hà Nội, nhà trường sẽ dành mỗi ngành 11 chỉ tiêu để xét tuyển những TS trong diện đặc cách tốt nghiệp. Trường sẽ căn cứ vào điểm học bạ của TS để xét tuyển. Cụ thể là điểm trung bình cả năm lớp 10, lớp 11, lớp 12 của ba môn toán, hóa, sinh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm