Khó khăn bủa vây dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

(PLO)- Bộ GTVT cho biết dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu chậm giải phóng mặt bằng khiến dự án không thể thi công, cạnh đó là việc đội vốn dự án thêm 3.665 tỉ đồng.

Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về tình hình thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Trong đó, Bộ GTVT cho biết dự án chậm cả mặt bằng lẫn công tác xây dựng.

P8_bai-vietlong-1h-viethoa.jpg
Các nhà thầu đang thi công dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: KHÁNH LY

Làm cao tốc quá chậm

Theo Bộ GTVT, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được chia thành ba dự án thành phần và giao cho Bộ GTVT, hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu làm cơ quan chủ quản. Sau khi được Quốc hội thông qua, tháng 12-2022, Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt phê duyệt báo cáo khả thi dự án thành phần 2 và 3. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2-2023 tỉnh Đồng Nai mới hoàn thiện thủ tục trên đối với dự án thành phần 1, chậm ba tháng so với kế hoạch được giao.

Đến giai đoạn lựa chọn nhà thầu cho năm gói thầu tại ba dự án thành phần, Bộ GTVT và hai địa phương đã hoàn thành 4/5 gói thầu. Còn một gói thầu thuộc dự án thành phần 1 đang tiến hành lựa chọn nhà thầu, dự kiến tháng 10 năm nay mới hoàn thành.

Song song với quá trình trên, tháng 11-2022, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được giao thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) của dự án. Tuy nhiên, hơn nửa năm trôi qua, hai địa phương này mới bàn giao được 114/452 ha đất (đạt 25,30%) cho dự án thành phần 3. Còn dự án thành phần 1 và 2 chưa thực hiện bồi thường.

“Với diện tích đất sạch hạn hẹp, dự án thành phần 3 cũng không thể triển khai thi công trên hiện trường dự án…” - Bộ GTVT nêu khó khăn.

Chính vì vậy, kể cả khi dự án khởi công vào tháng 6-2023, dự án thành phần 1 vẫn trong tình trạng khởi công xong rồi… để đó, do chưa có mặt bằng. Còn dự án thành phần 2, các nhà thầu cũng chỉ dừng ở việc triển khai huy động máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, trình duyệt vật liệu đầu vào; khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công… Bước đầu, nhà thầu chỉ triển khai thi công một số hạng mục dọn dẹp mặt bằng, đào bóc hữu cơ.

Tương tự, dự án thành phần 3 cũng không khá hơn khi vẫn đang chuẩn bị và đang triển khai thi công các hạng mục dọn dẹp mặt bằng, đào, đắp nền đường, cầu và cống hộp. Lũy kế khối lượng đã thực hiện đạt khoảng 1,6% giá trị hợp đồng.

Công tác mặt bằng chậm kéo theo công tác giải ngân không mấy khả quan. Tổng số vốn ngân sách nhà nước giao trong năm 2023 là hơn 5.104 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 8 mới giải ngân được 2.597 tỉ đồng, đạt 50,88% kế hoạch được giao.

Về nguồn vật liệu, dự án cần 6,4 triệu m3 đất đắp nền đường, 0,87 triệu m3 cát xây dựng và 1,89 triệu m3 đá xây dựng. Theo kết quả tại hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng, trữ lượng nguồn cung cấp vật liệu cho dự án về cơ bản đáp ứng. “Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có các dự án lớn khác như sân bay Long Thành, cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM đang đồng loạt triển khai trong cùng một thời gian. Vì vậy, ở giai đoạn này dự án vẫn thiếu nguồn đất đắp…” - Bộ GTVT báo cáo.

Chi phí giải phóng mặt bằng dự án tăng khoảng 3.674 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 tăng khoảng 1.195 tỉ đồng, dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.489 tỉ đồng, dự án thành phần 3 tăng 990 tỉ đồng.

Dự án đội vốn 3.665 tỉ đồng

Lý giải việc chậm bàn giao mặt bằng, hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết nguyên nhân chủ yếu do nhân lực tại các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác GPMB của tỉnh chưa đáp ứng khối lượng công việc. Đơn giá bồi thường GPMB chưa được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt.

Đáng chú ý, dự án thành phần 1 đi qua khu vực đất an ninh - quốc phòng nên phải làm thủ tục điều chỉnh. Dự án thành phần 1, 2 đi qua khu vực đất do Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý chưa được thu hồi, do chưa thống nhất về các khoản hỗ trợ khác.

“Thêm vào đó, hiện nay các khu tái định cư phục vụ GPMB dự án thành phần 1, 2 chưa triển khai xây dựng, dẫn đến không đủ điều kiện để thực hiện công tác GPMB theo quy định. Vì vậy, tiến độ bàn giao mặt bằng trong năm 2023 là khó khả thi…” - đại diện hai địa phương cho hay.

Để đáp ứng tiến độ GPMB, Bộ GTVT cho biết UBND tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị Thủ tướng cho phép bố trí tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa thuộc dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vào khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, huyện Long Thành (thuộc dự án sân bay Long Thành). Hiện nay, các bộ, ngành và địa phương đang phối hợp giải quyết theo chỉ đạo của Chính phủ làm cơ sở triển khai các công việc tiếp theo.

Một khó khăn của dự án này là việc đội vốn. Theo hai tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu, sau khi kiểm đếm thực tế, chi phí GPMB tăng khoảng 3.674 tỉ đồng. Trong đó, dự án thành phần 1 tăng khoảng 1.195 tỉ đồng, dự án thành phần 2 tăng khoảng 1.489 tỉ đồng, dự án thành phần 3 tăng 990 tỉ đồng.

Bộ GTVT cho biết việc tăng chi phí trên dẫn đến tổng mức đầu tư dự án tăng khoảng 3.665 tỉ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 59/2022. “Theo đó, dự án sẽ phải trình cơ quan chức năng điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định…” - Bộ GTVT cho hay.•

Tổng quan về dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53,7 km, quy mô giai đoạn 1 gồm 4-6 làn xe tùy theo từng đoạn tuyến, tổng mức đầu tư là 17.829 tỉ đồng. Tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần lượt làm chủ đầu tư dự án thành phần 1, 2, 3.

Dự án được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV. Mục tiêu là hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ với đường bộ Bắc - Nam, sân bay Long Thành, phát huy tối đa tiềm năng của cảng biển Cái Mép - Thị Vải…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm