Vì sao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu mới khởi công đã bị đội vốn gần 3.700 tỉ đồng?

(PLO)- Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng vốn dự kiến khoảng gần 3.700 tỉ đồng so với mức đã được phê duyệt, nâng tổng mức đầu tư gần 21.500 tỉ đồng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 9-9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh dẫn đầu đoàn công tác có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai về tiến độ thực hiện dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án sân bay Long Thành và việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Đồng Nai.

Tại buổi làm việc Nguyễn Minh Sơn – Phó Ủy ban Kinh tế Quốc hội đặt câu hỏi: Vì sao tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai rất chậm và vốn dự kiến vốn đầu tư tăng gần 3.700 tỉ đồng? Việc tăng vốn như vậy thì trách nhiệm thuộc về ai?

Đại diện Bộ GTVT thông tin, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), dự án thành phần 3 dài 19,5km thuộc địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã bàn giao gần 78%. Nhưng thành phần 1, thành phần 2 qua địa bàn tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km mặt bằng chỉ mới bàn giao gần 6%.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn giải thích lý do dự kiến vốn đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng thêm khoảng gần 3.700 tỉ đồng. Ảnh: VH.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn giải thích lý do dự kiến vốn đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng thêm khoảng gần 3.700 tỉ đồng. Ảnh: VH.

Nguyên nhân do kiểm đếm chậm, đơn giá bồi thường chưa được phê duyệt và do vướng thủ tục điều chỉnh an ninh - quốc phòng. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất của Tổng công ty Cao su Đồng Nai thuộc phạm vi dự án thành phần 1, thành phần 2 và khu tái định cư Long Đức cũng chưa thể thực hiện do chưa thống nhất về giá hỗ trợ.

Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của các địa phương, chi phí giải phóng mặt bằng ở các dự án thành phần của tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu tăng khoảng 3.674 tỉ đồng so với mức đã được phê duyệt, nâng tổng mức đầu tư gần 21.500 tỉ đồng.

Giải trình về việc đội chi phí lên hàng ngàn tỉ đồng, ông Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay ban đầu đơn vị tư vấn khái toán giá đền bù, giải phóng mặt bằng được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, thực tế đến khi địa phương phê duyệt được đơn giá đền bù, giá đất thay đổi theo từng giai đoạn thì chi phí bồi thường bị tăng lên.

Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu bị đội vốn 990 tỷ đồng, còn Đồng Nai bị đội vốn hơn 2.600 tỷ.

"Chậm phê duyệt đơn giá đền bù khiến vốn đầu tư tăng lên.Vì vậy Đồng Nai phải quyết liệt triển khai công tác này vì dân cư đông nên chi phí giải phóng mặt bằng tăng ", Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh thực địa khu tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: VH.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh thực địa khu tái định cư cho dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: VH.

Lý giải thêm về việc chậm bàn giao mặt bằng, ông Võ Tấn Đức - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, thiếu nhân sự do địa phương đang tập trung giải phóng mặt bằng nhiều dự án.

Về áp giá đền bù, tỉnh Đồng Nai vẫn đang thực hiện các thủ tục lựa chọn đơn vị tư vấn để xác định giá đất. Dự kiến trong tháng 9 sẽ hoàn thiện chứng thư thẩm định giá cho dự án và phê duyệt giá đất, phương án bồi thường trong tháng 10-2023.

Phát biểu kết luận, ông Vũ Hồng Thanh nói rằng tiến độ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua Đồng Nai quá chậm. Chung một dự án, cùng vướng mắc như nhau nhưng tại sao Bà Rịa - Vũng Tàu lại làm nhanh còn Đồng Nai lại làm chậm như thế? Địa phương phải xem lại các yếu tố chủ quan để tháo gỡ và tăng tốc các hạng mục. Phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ các dự án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm