'Khó khăn lớn nhất của ngành du thuyền là vấn đề đăng kiểm'

(PLO)- Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức cho biết từ khi xây dựng nhà máy đến khi du thuyền hạ thủy còn rất nhiều thủ tục, có thuyền nhỏ đóng xong phải mang ra tận Nha Trang đăng kiểm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát biểu tại Tọa đàm Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 12-12, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết ngành du thuyền đang phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Đăng kiểm du thuyền là một thách thức

"Hiện nay, TP.HCM có khoảng 100 du thuyền và cả cano là 200 chiếc. Vướng mắc lớn nhất hiện nay là vấn đề đăng kiểm. Chúng ta chưa có tiêu chuẩn, cũng chưa có chỗ nào đăng kiểm, bảo dưỡng du thuyền tại TP.HCM. Tại Thủ Đức sắp tới dự kiến sẽ có chỗ đăng kiểm cho du thuyền" - ông Việt nói.

Ông Việt cũng cho biết hành lang pháp lý cho ngành du thuyền còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ từ sản xuất cho đến vận hành. Cụ thể, từ khi xây dựng nhà máy đến khi du thuyền hạ thủy còn rất nhiều thủ tục, có thuyền nhỏ đóng xong phải mang ra tận Nha Trang đăng kiểm.

"Thực tế, nhu cầu chơi du thuyền những năm gần đây đang phát triển, tuy nhiên vấn đề thiếu bến neo đậu và dịch vụ cho du thuyền là một thách thức. Việc đầu tư xây dựng bến du thuyền, chỉnh trang cảnh quan ven bờ sông Sài Gòn và kết hợp tour sông nước là rất cần thiết, đem lại lợi ích kinh tế - xã hội."

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức (TP.HCM)

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch CLB Du thuyền TP Thủ Đức phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thu hút đầu tư bến thủy nội địa

Theo ông Việt, TP cần khảo sát các bến thủy nội địa, xác định bến nào có tiềm năng du lịch để nâng cấp thành bến du thuyền. Đồng thời có nhiều chính sách để thu hút đầu tư theo hình thức hợp tác công tư (PPP), khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư và khai thác tối đa các tiềm năng mà sông Sài Gòn đem lại.

Cạnh đó, TP cần phát triển cảng du thuyền và các trung tâm dịch vụ du lịch ven sông để thu hút du khách và người chơi du thuyền trong nước và quốc tế đến TP.HCM để tạo ra nguồn thu nhập mới.

Ông Việt cho rằng sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa, dòng sông giao thông và dòng sông kinh tế như sông Chao Phraya (Bangkok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải), sông Hàn (Seoul)… mang lại hàng tỉ USD mỗi năm nếu TP biết khai thác tốt mặt nước, bờ sông và quỹ đất ven sông.

"Ngay giữa lòng TP, chỉ cần bước chân xuống bến du thuyền là có thể cảm nhận được một không gian hoàn toàn khác với hai bên bờ sông. Ban ngày năng động, ban đêm rất thơ mộng. Tôi hy vọng với sự chung tay và nỗ lực của tất cả mọi người, sông Sài Gòn sẽ trở thành thương hiệu vàng của TP.HCM, trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch thế giới" - ông Việt kỳ vọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm