Vì nhiều lý do, những đứa trẻ vừa sinh ra bị cha mẹ ruột bỏ rơi. May mắn, chúng được người tốt nhận làm con nuôi, chăm sóc. Đến tuổi vào mẫu giáo, người nhận nuôi mong muốn làm giấy khai sinh cho các cháu nhưng gặp khó về thủ tục.
Gặp khó khi làm giấy khai sinh trễ
Ông Phạm Trường Tuấn (quê ở thị xã Điện Bàn, Quảng Nam; ngụ TP.HCM) kể ông có người thân làm ở BV đa khoa khu vực Điện Bàn. Hơn ba năm trước, người thân báo cho ông biết về trường hợp một bé vừa sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi. Từ đó, ông Tuấn đã nhận nuôi đứa bé này và sau đó tiếp tục nhận nuôi thêm ba cháu nữa.
Phản ánh đến báoPháp Luật TP.HCM, ông Tuấn cho hay hằng tháng ông phải trả tiền thuê hai bảo mẫu chăm sóc cho bốn con nuôi tại nhà cha mẹ ruột của ông ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn.
Dù công việc bận rộn nhưng cứ độ nửa tháng, ông Tuấn lại tranh thủ về quê thăm các con. Nay đến tuổi đi học, ông muốn đón các cháu vào TP.HCM để tiện chăm sóc và có môi trường học tập tốt hơn.
“Giờ các cháu đã tới tuổi đi học, tôi muốn làm giấy khai sinh để đưa các cháu vào ở cùng nhưng chưa được” - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, lúc nhận các cháu về nuôi, ông nghĩ chuyện làm giấy tờ sẽ đơn giản. “Tôi định đến khi các con trưởng thành, tôi sẽ nói về mẹ ruột để các con tự quyết định tìm nguồn cội. Mình làm việc tốt, giúp ích cho đời, không nghĩ làm giấy khai sinh cho các cháu lại khó khăn đến vậy” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Phạm Anh Tuấn (ngụ thị xã Điện Bàn), người đứng ra giúp ông Phạm Trường Tuấn làm giấy khai sinh cho bốn cháu, cho hay nhiều lần lên xã làm giấy khai sinh cho các cháu nhưng liên tục gặp vướng mắc, phía xã yêu cầu những thủ tục ông không thể đáp ứng.
Theo ông Anh Tuấn, xã đề nghị phải có mẹ ruột xác nhận mới đảm bảo quy định để được cấp giấy khai sinh. Thực tế, trên giấy chứng sinh của bệnh viện có ghi địa chỉ của mẹ ruột nhưng có người đã chuyển đi nơi khác sinh sống, có người thì từ chối hỗ trợ…
“Có trường hợp tôi không biết nơi ở của mẹ ruột cháu bé, có trường hợp biết nơi ở của mẹ cháu nhưng họ bỏ con rồi và không muốn dính líu gì tới cháu nữa. Có trường hợp sinh con mới 17 tuổi, giờ đang là sinh viên, nếu nhờ làm giấy khai sinh thì lộ hết thông tin nên họ không chịu giúp nên rất nan giải” - ông Anh Tuấn nói.
Phải xác minh thông tin mẹ ruột
Ông Phạm Phú Long, Chủ tịch UBND xã Điện Trung, cho biết xã đã làm việc với ông Phạm Trường Tuấn và Phòng Tư pháp thị xã Điện Bàn, thống nhất tìm phương án thuận lợi, đảm bảo các cháu sớm có giấy khai sinh.
Theo ông Long, các cháu đều có giấy chứng sinh nhưng theo quy định phải xác minh thông tin mẹ ruột. Địa phương sẽ cử cán bộ công an, tư pháp hỗ trợ xác minh, đảm bảo sự tế nhị, riêng tư của người mẹ.
“Các cháu sinh ra không có lỗi, các cháu chỉ là nạn nhân của câu chuyện. Do đó, chúng tôi có trách nhiệm giải quyết, vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật vừa làm sao nhanh nhất cho các cháu có giấy khai sinh” - ông Long nói và cho biết thủ tục sẽ mất vài tháng.
Trưởng phòng Tư pháp thị xã Điện Bàn Nguyễn Thị Thùy Hương cho hay xã Điện Trung sẽ tiếp tục làm giấy khai sinh cho các cháu theo quy định của Luật Hộ tịch 2014.
“Ngay từ đầu, ông Tuấn có thiếu sót trong thủ tục nhận con nuôi. Bây giờ ông Tuấn có trách nhiệm nộp hồ sơ, yêu cầu cơ quan chức năng xác minh nội dung cụ thể. Cơ quan chức năng sẽ giải quyết các yêu cầu của công dân” - bà Hương nói.
Cần có sự hỗ trợ từ chính quyền
Trong trường hợp này, các trẻ đều có giấy chứng sinh, tuy nhiên lại không xác định được mẹ cháu là ai và đang ở đâu, hoặc mẹ của các cháu không muốn dính líu tới trẻ nữa. Do vậy, có thể xác định đây là trường hợp trẻ bị bỏ rơi.
Do thời điểm nhận nuôi trẻ, ông Tuấn không làm thủ tục nhận con nuôi đúng theo quy định của pháp luật nên nếu ông Tuấn muốn đăng ký khai sinh trong trường hợp này thì trước tiên ông phải thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi thuộc trường hợp nhận con nuôi bị bỏ rơi.
Theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật Nuôi con nuôi thì ông Tuấn nộp hồ sơ nhận nuôi con nuôi đến UBND cấp xã nơi mình đang cư trú hoặc nơi cư trú của các trẻ. Hồ sơ gồm: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao CCCD; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khỏe của các trẻ; hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá sáu tháng của trẻ; biên bản xác nhận do UBND hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi.
Hiện nay, các trẻ này dù thực tế bị bỏ rơi nhưng lại không có giấy tờ pháp lý nào xác định là trẻ bị bỏ rơi nên trong trường hợp này cần có sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương để lập biên bản xác nhận là trẻ bị bỏ rơi để bổ sung vào hồ sơ nhận con nuôi.
Sau khi hoàn tất hồ sơ nhận con nuôi, ông Tuấn sẽ được UBND cấp xã cấp quyết định công nhận việc nuôi con nuôi. Từ quyết định này, ông thực hiện việc đăng ký khai sinh cho các cháu theo quy định tại Điều 16 Luật Hộ tịch 2014.
Tuy nhiên, trong trường hợp này, nếu cha mẹ nuôi đăng ký khai sinh cho con, theo quy định tại Điều 19 Thông tư 04/2020 của Bộ Tư pháp thì thông tin cha mẹ nuôi sẽ được ghi nhận trong giấy khai sinh nhưng trong sổ đăng ký khai sinh, cán bộ hộ tịch sẽ ghi chú là “cha, mẹ nuôi” để phục vụ cho công tác quản lý.
Luật sư TRẦN VĂN GIỚI, Đoàn Luật sư TP.HCM
HỮU ĐĂNG ghi