Phân loại chất thải rắn tại nguồn (PLCTRTN) đã được TP.HCM thực hiện thí điểm từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, cho đến nay việc triển khai rộng rãi chương trình này vẫn chưa trở thành hiện thực. Tại hội thảo Kế hoạch quản lý chất thải hữu cơ cho TP.HCM do Sở TN&MT TP.HCM phối hợp với Liên minh Khí hậu và không khí sạch tổ chức mới đây, vấn đề PLCTRTN đã được đưa lên bàn hội nghị.
Khó khăn từ hệ thống thu gom…
Đại diện Sở TN&MT TP.HCM cho biết năm 2000 và 2008, TP.HCM bắt đầu thí điểm chương trình PLCTRTN nhưng phải tạm dừng. Nguyên nhân vì chưa có nhà máy tiếp nhận chất thải hữu cơ, chưa có giải pháp tách chất thải nguy hại ra khỏi chất thải sinh hoạt.
Đến năm 2011, chợ Bình Điền (quận 8) triển khai thí điểm chương trình với mục tiêu ban đầu là thu gom chất thải thực phẩm. Tuy nhiên, sau thời gian khoảng sáu tháng thì kết quả cho thấy còn tồn tại một số khó khăn như việc hoạt động của chợ từ khuya kéo dài đến khoảng 3 giờ sáng; diện tích các sạp nhỏ nên không thể lưu chứa cả dụng cụ phân loại rác và dụng cụ kinh doanh. Đặc biệt, sau khi nhận được thông tin tuyên truyền về PLCTRTN, các tiểu thương bắt đầu thực hiện phân loại theo quy trình. Rác thải chiếm 95% là chất thải hữu cơ, phần còn lại là dây và bao nylon, hộp đựng thức ăn… Vì vậy, chương trình quyết định không triển khai phân loại mà thu gom tất cả chuyển về khu tập trung để xử lý, sản xuất phân bón với tổng số lượng thu gom khoảng 30 tấn/ngày.
Tại chợ đầu mối Bình Điền, 95% là chất thải hữu cơ. Ảnh: NGỌC CHÂU
Từ năm 2011, TP.HCM thí điểm PLCTRTN tại 21 siêu thị Co.opmart và hiện nay đã nhân rộng ra toàn hệ thống với khối lượng rác trung bình chín tấn/ngày. Qua bốn năm thí điểm, chương trình đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận như lợi ích PLCTRTN được tuyên truyền mạnh mẽ cho đông đảo cộng đồng và nhân viên siêu thị; 32% khách hàng nhận thức về chương trình thông qua phương tiện phát thanh, tờ rơi; hơn 38% thực hiện thải bỏ đúng quy định. Tuy nhiên, các con số này vẫn ở mức khiêm tốn, thể hiện mức độ quan tâm của họ về PLCTRTN chưa cao; chất thải thực phẩm đã được phân loại vẫn còn lẫn trong chất thải còn lại; vị trí phân bố các siêu thị trải rộng trên địa bàn TP và thời gian thu gom khác nhau. Điều này làm cho chi phí thu gom tăng cao.
… Đến kinh nghiệm thực hiện
Tại KCX Tân Thuận, Khu Công nghệ cao, hành trình thí điểm PLCTRTN bắt đầu từ năm 2011 và kéo dài đến nay. Việc tuyên truyền cho lực lượng công nhân tiến hành với các chất thải phân loại gồm chất thải thực phẩm và chất thải còn lại. Sau quá trình triển khai, chương trình cũng vấp phải một số khó khăn như doanh nghiệp chưa tham gia tích cực, khối lượng chất thải thu gom không đủ tải trọng xe cùng khó khăn liên quan đến việc phối hợp quản lý giữa các đơn vị với nhau.
Từ tháng 8-2013 đến nay, TP.HCM áp dụng thí điểm PLCTRTN cho một số phường tại sáu quận là 1, 3, 5, 6, 12, Bình Thạnh. Theo đó, mỗi quận thực hiện với quy mô khoảng 100-400 hộ dân nên khối lượng chất thải khá ít, gây khó khăn cho việc thiết lập hệ thống thu gom. Vì thời gian triển khai gấp nên một số quận không có kinh nghiệm trong quá trình thực hiện. Thủ tục pháp lý nhiều, nhân sự chưa được tập huấn cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chương trình. Song song đó là nhiều vướng mắc liên quan tới hệ thống thu gom còn manh mún, thiếu đồng bộ; thiếu quy hoạch hệ thống các trạm trung chuyển và tuyến vận chuyển tối ưu; nhà máy tái chế quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; chưa có chính sách cụ thể hỗ trợ hoạt động tái chế; chưa quy hoạch khu vực dành riêng cho các cơ sở tái chế; đội ngũ cán bộ tham gia công tác quản lý chất thải vừa thiếu lại vừa yếu, chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế.
Ý thức được lợi ích về PLCTRTN, Sở TN&MT TP.HCM đã rất nỗ lực từ nhiều năm nay nhằm xây dựng các mô hình thu gom cho nhiều đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, kế hoạch có mang lại kết quả tốt đẹp hay không thì không chỉ một mình Sở có thể quyết định được, mà nó phụ thuộc vào tất cả bên liên quan, từ hệ thống vận hành đến chính sách văn bản pháp luật.