Khó xiết nợ người làm ăn thất bại, chỉ duy nhất 1 căn nhà

Sau hai năm xử lý khối nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Chính phủ đã có tới 52% số nợ xấu được thu hồi, tương đương 236,8 ngàn tỉ đồng.

Đó là số liệu vừa được công bố tại Hội nghị trực tuyến sơ kết hai năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 do NHNN tổ chức.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, tỉ lệ nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02) của hệ thống các TCTD tiếp tục được duy trì dưới mức 2% (đến 31-8-2019 là 1,98%).

Lũy kế từ 15-8-2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31-8-2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 ngàn tỉ đồng nợ xấu. Như vậy, tính trung bình mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 ngàn tỉ đồng, cao hơn 4,7 ngàn tỉ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo các ngân hàng thì điểm vướng mắc lớn nhất đối với 48% nợ xấu còn lại chủ yếu nằm trong khâu xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù theo Nghị quyết 42 thì ngân hàng có quyền thu giữ tài sản song thực tế câu chuyện này không hề đơn giản. 

Ví dụ, nhiều trường hợp gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn nhưng việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật, căn nhà bị ngân hàng xiết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do đó, rất khó để giải quyết những trường hợp như vậy một cách hợp tình hợp lý. 

Hoặc có trường hợp con nợ lại cố tình chây ỳ, gửi đơn kiện ra tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trong trường hợp cứ thấy có đơn kiện là các cơ quan chức năng dừng lại, không cho thu giữ tài sản đảm bảo… Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm