Gặp xương xẩu khi mua nợ xấu từ ngân hàng

Mới đây, Công ty TNHH Mega E&T VN (TP.HCM) có đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng về việc Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ chối giải quyết hồ sơ chuyển dịch khoản nợ xấu mà công ty này mua qua đấu giá của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh 10 (Agribank CN 10) TP.HCM.

Xin thay đổi bên nhận thế chấp không được

Theo hồ sơ, Công ty CP Du lịch Đất (TP.HCM) nợ Agribank CN 10 hơn 49 tỉ đồng (tính đến tháng 1-2019). Tài sản bảo đảm cho khoản vay trên là 18 sổ đỏ đất nền biệt thự tại dự án khu biệt thự du lịch Thanh Bình, Vũng Tàu (do Công ty Thanh Bình đứng ra bảo lãnh). Đến thời hạn thanh toán, Công ty Du lịch Đất không có khả năng trả nợ nên Agribank CN 10 đã khởi kiện ra TAND quận 1. Trong quá trình giải quyết vụ án, hai bên đạt được thỏa thuận, khoanh nợ. Tại biên bản kê biên tài sản để thi hành án ngày 9-1-2019 (có sự tham dự của đại diện Sở TN&MT, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu…) có nêu rõ hiện trạng 18 nền đất thế chấp khi ấy đã hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đất trống, không có tài sản trên đất.

Phía Agribank CN 10 sau đó tổ chức bán đấu giá khoản nợ trên để thu hồi vốn theo Nghị quyết 42/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đầu tháng 6-2019, sau khi trúng đấu giá, Công ty TNHH Mega E&T VN ký hợp đồng mua bán khoản nợ xấu nói trên với Agribank CN 10 với giá 40,1 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đình Trung, đại diện pháp lý Công ty TNHH Mega E&T VN, cho biết: “Hợp đồng mua bán ký công chứng xong, ngày 12-6 chúng tôi đã nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai xin thay đổi bên nhận thế chấp theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, từ đó đến nay yêu cầu của chúng tôi không được giải quyết. Chúng tôi đã nhiều lần làm việc, Agribank CN 10 cũng có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng đều không có kết quả”.

Khu đất có 18 nền biệt thự du lịch mà Công ty Mega E&T VN yêu cầu thay đổi bên nhận thế chấp nhưng chưa được giải quyết. Ảnh: HUY PHONG

Lý giải của Văn phòng Đăng ký đất đai

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, lý giải: 18 nền biệt thự du lịch tại Vũng Tàu đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Du lịch Đất là của Công ty Thanh Bình. Công ty Thanh Bình đã bán hơn 200 nền biệt thự trong dự án (trong đó có 18 nền nói trên - PV) cho người dân nhưng cũng đồng thời mang đi bảo lãnh khoản vay cho một số công ty khác, trong đó có Công ty Du lịch Đất.

Về việc này, khách hàng mua nền đã tố cáo tới CQĐT Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 9-7 vừa qua, công an đã khởi tố vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án này. TAND Tối cao cũng đã hủy công nhận thỏa thuận giữa Agribank CN 10 và Công ty Du lịch Đất (ngày 4-4-2019).

Ông Tuấn cho hay Công an tỉnh cũng có văn bản nói cần tạm dừng việc chuyển dịch quyền sử dụng đất của Công ty Thanh Bình cho đến khi CQĐT kết thúc điều tra, giải quyết vụ việc… “Chúng tôi từng rà soát và có văn bản tham mưu Sở TN&MT giải quyết chuyển tên chủ nợ cho Công ty Mega E&T VN vào ngày 21-6. Trong 18 sổ đỏ, có một trường hợp đã có thông báo thụ lý vụ án của TAND TP Vũng Tàu nên không đủ điều kiện đăng ký thay đổi bên nhận thế chấp. Đối với 17 trường hợp còn lại, theo quy định tại Điều 2 khoản 2, Điều 6 và Điều 9 Nghị quyết 42/QH14 và Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BTP-BTNMT thì trường hợp này có thể giải quyết đăng ký thay đổi bên nhận thế chấp…” - ông Tuấn cho hay.

Tạm dừng để tránh hậu quả rắc rối về sau

Theo ông Trần Ngọc Cẩm Tuấn, nếu trong một vụ việc khác, đề nghị như của Công ty Mega E&T VN sẽ được giải quyết đúng quy định tại Nghị quyết 42/QH14. Tuy nhiên, đây là trường hợp phức tạp, cần tạm dừng để tránh những hậu quả khó giải quyết về sau.

“Chúng tôi đã mời gặp, trả lời cho công ty nhưng họ vẫn bức xúc vì cho rằng quyền lợi bị xâm phạm, thiệt hại về lãi suất bỏ tiền mua khoản nợ từng ngày… Chúng tôi rất chia sẻ với doanh nghiệp. Để cẩn trọng trong xử lý, chúng tôi đã báo cáo sự việc và xin đăng ký làm việc với công an tỉnh về các nội dung liên quan đến dự án Thanh Bình” - ông Tuấn nói.

phía Ngân hàng Agribank CN 10, Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản Agribank Việt Nam lại có quan điểm khác, thể hiện qua công văn đã gửi Sở TN&MT và Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Văn bản cho rằng việc thay đổi bên nhận thế chấp với khoản nợ như trên không phải là việc nhận thế chấp mới, không phải “chuyển dịch đất đai” mà chỉ là “chuyển dịch chủ nợ”, không vi phạm về Luật Đất đai. “Việc Agribank CN 10 bán nợ và đề nghị thay đổi bên nhận thế chấp sang Công ty Mega E&T VN là đúng quy định pháp luật” - văn bản nêu rõ.

đến nay Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn không giải quyết hồ sơ cho Công ty Mega E&T VN. Đại diện công ty này cho biết sẽ khởi kiện Văn phòng Đăng ký đất đai ra tòa để quyền lợi hợp pháp được bảo đảm.

Theo Agribank CN 10, căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 03/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng… kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán theo Điều 74 BLTTDS. Vụ án dân sự đang được tòa án thụ lý, giải quyết thì tòa căn cứ hợp đồng mua bán nợ để xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán khoản nợ xấu… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm