Khóc ròng vì mua đất đấu giá

Là một nông dân nghèo, chân chất, anh Trang Thanh Bình (ngụ ấp Hòa Hợp, xã Hòa Thạnh, Châu Thành, Tây Ninh) tin tưởng rằng “mua đất do Nhà nước bán đấu giá là chắc ăn nhất, không sợ bị gạt”. Không ngờ tiền đã trao rồi mà gần ba năm qua, anh Bình đã phải đi đòi đất không biết bao nhiêu lần nhưng các cơ quan chức năng cứ chỉ vòng vèo rồi… bó tay.

Tiền đã trao, đất không có

Chúng tôi tìm đến căn nhà vách đất vá chằng vá đụp, tối hù, trống huơ trống hoắc, không có ghế ngồi của anh Bình. Anh ngượng nghịu mời chúng tôi ra hiên nhà nói chuyện cho đủ ánh sáng. Anh ngồi thụp xuống, bày hết những đơn từ khiếu nại dày cả tập xuống đất rồi buồn bã: “Ở đâu 66 triệu đồng không lớn chứ ở vùng sâu biên giới này, đó là cả gia tài của tui đó, cô ơi!”.

Chuyện của anh Bình bắt đầu từ ba năm trước, khi có người mang cho một tờ báo có đăng thông báo của Trung tâm Bán đấu giá tỉnh Tây Ninh về việc tổ chức bán đấu giá bảy công đất lúa (7.000 m2) của ông TVH ở cùng xã với anh. Anh Bình quyết định gom hết tiền và vay mượn thêm để tham gia đấu giá. Anh kể: “Tui quê mùa, chưa khi nào mua bán giao dịch với ai, nghĩ mua của Nhà nước là chắc ăn nhất nên tui mới dám mượn tiền mua”.

Khóc ròng vì mua đất đấu giá ảnh 1

Đất không nhận được, giấy đỏ không được cấp, khiếu nại nhiều nơi nhưng không ai giải quyết, đã nhiều lần anh Bình bất lực ra bờ ruộng ngồi khóc. Ảnh: H.MINH

Bảy công đất lúa anh Bình quyết định mua đấu giá từ Trung tâm Bán đấu giá tỉnh vốn được Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành ủy quyền bán. Số là cuối năm 2010, do thiếu nợ nhiều người, ông TVH bị tòa buộc trả nợ nên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã kê biên bảy công đất lúa mà chi cục cho rằng thuộc quyền sử dụng của ông để thi hành án.

Ngày 6-1-2011, anh Bình đã trúng đấu giá bảy công đất lúa nói trên với giá hơn 66 triệu đồng. Tiền anh Bình đã nộp đủ nhưng ông TVH cương quyết không chịu giao đất. Vì vậy, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành đã ra quyết định cưỡng chế. Ngày 8-3-2011, đoàn cưỡng chế đã tiến hành lập biên bản cưỡng chế nhưng ngay sau đó, ông TVH lại tái chiếm đất. “Cứ mỗi lần tui ra ruộng là bị ông H. rượt chém” - anh Bình nói.

Thi hành án xác minh sai nhưng phủi trách nhiệm

Anh Bình khiếu nại nhiều nơi nhưng từ đó đến nay không được cơ quan nào giải quyết, trong khi bản thân anh thì phải oằn lưng ra trả nợ khoản tiền đã vay mượn để mua đấu giá.

Anh Bình đề nghị UBND huyện Châu Thành cấp giấy đỏ bảy công đất lúa cho mình. Huyện đã cấp giấy đỏ nhưng sau đó phải thu hồi. Bởi lẽ trên thực tế đất do ông TVH đang canh tác nhưng trên giấy tờ lại gồm ba thửa khác nhau, do ba người khác không có quan hệ họ hàng gì với ông TVH đứng tên. Không hiểu sao vào năm 2010, khi xác minh điều kiện thi hành án của ông TVH, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành lại xác định bảy công đất thuộc quyền sử dụng của ông này.

Đất không nhận được, giấy đỏ cũng không được cấp, khiếu nại nhiều nơi nhưng không ai giải quyết, đã nhiều lần anh Bình bất lực ra bờ ruộng ngồi khóc.

Ông Đặng Thanh Hải (Chủ tịch UBND huyện Châu Thành) cho biết: “Cơ quan thi hành án sai do không liên hệ với địa phương để xác minh số thửa đất. Bán đấu giá mà không xác định lại diện tích, không liên hệ với địa phương, bán cái mà ông TVH không có. Khi nào cơ quan thi hành án làm đúng quy trình, quy định mà ông TVH tái chiếm đất thì huyện mới có căn cứ xử lý được”.

Trong khi đó, dù xác minh sai, kê biên sai, bán đấu giá sai, dẫn tới việc không thể hợp thức hóa giấy tờ cũng như có căn cứ để cơ quan chức năng can thiệp nhưng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành vẫn rũ bỏ trách nhiệm. Sau nhiều lần nhận đơn khiếu nại của anh Bình, chi cục đã ra thông báo không thụ lý với nội dung sau: Chi cục đã tiến hành cưỡng chế, anh Bình đã nhận đất và ký tên vào biên bản cưỡng chế giao quyền sử dụng đất. Việc tài sản bị tái chiếm thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác, không thuộc thẩm quyền của chi cục.

Tương tự, trao đổi với chúng tôi, bà Hồ Chí Bửu Nghi (Chánh Văn phòng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh) cũng khẳng định: “Thi hành án đã thực hiện giao tài sản, ông Bình đã ký nhận tài sản, việc tái chiếm thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền địa phương”. Nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi về lỗi xác minh, kê biên, bán đấu giá của cơ quan thi hành án, bà Nghi nói: “Cái này chị không trả lời em được” (?!).

Anh Bình có quyền đòi bồi thường

Trong trường hợp này, Chi cục Thi hành án huyện Châu Thành đã xác minh sai, kê biên sai, bán đấu giá sai đất không thuộc quyền sử dụng của người phải thi hành án (ông TVH). Hậu quả là sau khi bán đấu giá thì các cơ quan chức năng của huyện Châu Thành không thể can thiệp cũng như làm giấy tờ đất cho anh Bình vì đất của người khác chứ không phải của ông TVH.

Lỗi thuộc về chấp hành viên giải quyết vụ thi hành án của ông TVH. Anh Bình bị thiệt hại thực tế nên anh có quyền khiếu nại yêu cầu Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Thành và cấp trên xem xét, xác định hành vi trái pháp luật của chấp hành viên trong việc xác minh sai, kê biên sai, bán đấu giá sai để từ đó yêu cầu đơn vị này bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong trường hợp Chi cục Thi hành án dân sự huyện và Cục Thi hành án dân sự tỉnh phủi bỏ trách nhiệm thì anh Bình có thể khiếu nại lên cấp cao hơn là Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) để nhờ can thiệp.

Một thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM

HỒNG MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm