Chiều 13-8, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục hoãn xử, trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ sập nhà mới xây làm ba người chết xảy ra chín năm trước đối với hai bị cáo Vũ Thị Tẩm và Đinh Xuân Cầu.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, đây là vụ án mà tòa từng nhiều lần mở phiên xử rồi trả hồ sơ để điều tra bổ sung bởi bị cáo Tẩm - chủ căn nhà bị sập liên tục kêu oan rằng mình là nạn nhân vì mất con, mất toàn bộ gia sản…
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Tại phiên tòa hôm qua, HĐXX đã đưa ra nhiều yêu cầu điều tra bổ sung đối với VKS như sau:
Thứ nhất, công ty thiết kế do ông Dương Công Tới làm giám đốc không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doan ngành nghề thiết kế, người trực tiếp thực hiện bản thiết kế có chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư trong lĩnh vực xây dựng hay không chưa được làm rõ. Do đó cần làm rõ trách nhiệm của ông Tới và những người trực tiếp thực hiện bản thiết kế căn nhà của bị cáo Tẩm.
Thứ hai, cần làm rõ các lời khai mâu thuẫn giữa hai bị cáo Tẩm và Cầu. Tẩm cho rằng không có kiến thức về xây dựng, tin tưởng năng lực hành nghề của Cầu, do là chị em cô cậu nên lựa chọn Cầu làm nhà thầu xây dựng và giao toàn bộ trách nhiệm cho Cầu. Cầu thì cho rằng việc giám sát do gia đình Tẩm thực hiện, Cầu nhận thầu xây nhà với giá 600.000 đồng/m2, giao lại cho Đinh Văn Hùng với giá 400.000 đồng/m2, việc này Tẩm biết. Vai trò của Hùng trong vụ án này đang được xác định là nhân chứng. Do đó, cần làm rõ vai trò của Hùng để tránh bỏ lọt tội phạm.
Thứ ba, theo quy chế xây dựng khu nhà ở này thì cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng của địa phương có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hai tuần/lần quá trình xây dựng… Tuy nhiên, các bị cáo và người liên quan đều khai quá trình tổ chức xây dựng nhà không ai đến kiểm tra. Do đó cần làm rõ trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý xây dựng địa phương.
Ngoài ra, HĐXX còn yêu cầu làm rõ các yêu cầu bồi thường thiệt hại, ai phải bồi thường cho ai...
Trong tích tắc căn nhà sụp đổ hoàn toàn, kéo theo ba nhân mạng và toàn bộ gia sản của chủ nhà. Ảnh: PL
Chấp nhận quan điểm của luật sư
Đáng chú ý, tại phiên tòa, HĐXX đã chấp nhận nhiều ý kiến mà luật sư của bị cáo Tẩm đưa ra.
Cụ thể, bị cáo Tẩm giao cho Cầu trao đổi với đơn vị thiết kế và thực hiện việc thi công công trình. Tuy nhiên, sau khi nhận trách nhiệm thì Cầu lại giao cho Hùng trực tiếp thực hiện việc thi công. Theo luật sư, phải xem xét đến nguyên nhân xảy ra sự cố là do thiết kế, do thi công hay do vật tư, thiết bị dùng để thi công.
Cạnh đó, bị cáo Tẩm ký hợp đồng với Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng và dịch vụ Dương Minh Đức thực hiện thiết kế bản vẽ thi công nhưng công ty này không có chức năng thiết kế. Việc công ty không có chức năng thiết kế nhưng vẫn nhận thiết kế là vi phạm Điều 56 Luật Xây dựng năm 2003. Những cá nhân ký tên và trực tiếp thực hiện việc thiết kế có năng lực hành nghề thiết kế, có chứng chỉ hành nghề phù hợp, có đăng ký hành nghề theo quy định hay không chưa được làm rõ. Do công ty thiết kế không có chức năng, năng lực thiết kế công trình xây dựng toàn bộ bản vẽ thiết kế do công ty này thực hiện không có giá trị để xem xét trong vụ án.
Hơn nữa, bản thiết kế này có dấu hiệu sao chép những bản thiết kế khác. Cụ thể, ngày 15-5-2009, bị cáo Tẩm ký hợp đồng thiết kế nhưng trong bản vẽ thiết kế lại thể hiện “hiệu chỉnh và ngày hoàn thành là ngày 14-3-2005 (trước đó bốn năm) và ngày hoàn thành là ngày 9-6-2009”. Ngoài ra, dấu của công ty thiết kế đóng vào bản thiết kế còn bị đóng ngược.
Theo luật sư, hành vi không có chức năng, năng lực thiết kế xây dựng nhưng vẫn nhận thực hiện việc thiết kế xây dựng khiến công trình bị đổ sập có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 229 BLHS cũ (nay là Điều 298 BLHS hiện hành).
Mặt khác, theo trình bày của ông Hùng và một số thợ xây thì Cầu không phải là người trực tiếp trông coi, triển khai việc xây dựng công trình. Việc trông coi công nhân, thanh toán tiền lương cho công nhân, nhận trách nhiệm thi công công trình đều do ông Hùng thực hiện và ông Hùng nhận thi công với giá 400.000 đồng/m2. Ông Hùng không có chứng chỉ hành nghề xây dựng, không có giấy phép hành nghề xây dựng nhưng vẫn nhận triển khai thi công công trình là vi phạm Điều 73 Luật Xây dựng.
Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng có phần trách nhiệm trong vấn đề kiểm tra vệ sinh an toàn lao động, giám sát việc xây dựng. Theo Điều 114, Điều 115 Luật Xây dựng, thanh tra xây dựng có nhiệm vụ, trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn, xử lý… các vi phạm pháp luật xây dựng. Tuy nhiên, suốt quá trình công trình nhà ở của bị cáo Tẩm được triển khai thi công, quy mô công trình tương đối lớn, được thực hiện công khai giữa ban ngày nhưng thanh tra xây dựng tại địa phương không kiểm tra, giám sát lần nào.
Cạnh đó, quy chế quản lý xây dựng khu nhà ở Sóng Thần 2 (kèm theo Quyết định 17/2006 của UBND tỉnh Bình Dương) cũng quy định cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng và địa phương có trách nhiệm kiểm tra định kỳ hai tuần/lần quá trình xây dựng. Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện suốt quá trình điều tra, cơ quan thanh tra xây dựng huyện Dĩ An được mời đến làm việc một lần. Cơ quan này trình bày là chưa được phân công kiểm tra xây dựng tại khu vực dự án theo quyết định của UBND tỉnh…
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, tháng 12-2009, sau bốn tháng xây dựng, khi căn nhà ở khu nhà ở Sóng Thần 2 sắp hoàn thiện, bị cáo Tẩm đưa gia đình vào ở. Chiều 19-12-2009, căn nhà sập đổ hoàn toàn khiến ba người chết, nhiều người bị thương. Trong số các nạn nhân, con trai 10 tuổi của bị cáo Tẩm chết, con gái tám tuổi của bị cáo bị thương tật 53%, mất vĩnh viễn một nửa cẳng chân phải. Giá trị thiệt hại của căn nhà gần 2 tỉ đồng. Bị cáo Tẩm khiếu nại yêu cầu cơ quan chức năng xử lý bên thi công và yêu cầu bên thi công bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, tháng 7-2016, bị cáo Tẩm và Đinh Xuân Cầu (chị em cô cậu, được bị cáo Tẩm thuê thi công nhà) bị khởi tố về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 3 Điều 229 BLHS cũ (khung hình phạt 8-20 năm tù). Hiện cả hai đang được tại ngoại… |