Khoan sức dân, cải cách thực chất để đất nước phục hồi

Cả ngày 8-11, Quốc hội (QH) thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội theo các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra do các ủy ban của QH đã trình bày từ đầu kỳ họp. Các đại biểu (ĐB) QH nêu thực trạng một cách thẳng thắn hơn và cũng đề xuất nhiều giải pháp cho Chính phủ để xem xét trong kế hoạch phục hồi kinh tế giai đoạn tới.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai và Hoàng Văn Cường phát biểu
tại phiên thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội. Ảnh: QH

Hỗ trợ lãi suất và vay đầu tư

Các ĐB đánh giá cao việc Chính phủ đã quyết liệt thay đổi cách thức ứng phó với COVID-19 và đề ra các giải pháp, các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN).

Nguyên lý mà các ĐB nêu ra, như ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) là: “DN phải được sản xuất, trẻ em phải được đến trường, hàng hóa phải được thông thương, du lịch phải được hoạt động, sân bay phải được mở cửa, các hoạt động phải được sống động trở lại vì đó là nhu cầu tự thân, chính đáng”.

ĐB Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc qua kết nối cung cầu, hỗ trợ tài chính, tạo sinh kế để người lao động đảm bảo cuộc sống. Theo ông Khải, việc hỗ trợ người lao động cũng chính là giúp cho động lực tăng trưởng của đất nước.

Nhiều ĐB cho rằng cần phải có những chính sách vĩ mô, căn cơ, kết hợp với chính sách tài khóa để DN phục hồi nhanh hơn, bền vững hơn, từ đó tạo được sinh kế cho người dân, giúp đất nước phục hồi tăng trưởng.

“Tôi hoan nghênh chủ trương về việc hình thành quỹ hỗ trợ 2%-3% lãi suất cũng như việc tăng gấp 10 lần quỹ hỗ trợ lãi suất theo đề xuất của Bộ Tài chính” - ĐB Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nói. Thậm chí, ông còn đề nghị số vốn đầu tư công sau khi đổ vào dự án trọng điểm quốc gia, nếu còn lại sẽ bổ sung vào quỹ hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ cho nền kinh tế.

ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) dẫn số liệu tăng trưởng -6,17% của quý III-2021, hàng chục ngàn DN đóng cửa mỗi tháng và nhìn nhận sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các DN đang bị suy kiệt. ĐB Cường cho rằng các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên, đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng.

ĐB Cường đề xuất chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỉ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Ngân sách dành ra khoảng 30-40 ngàn tỉ để cấp bù thì chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu tỉ tiền vốn lãi suất thấp để giúp các DN phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả DN có nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ” - ĐB Cường đề nghị.

Để có nguồn lực, ĐB Cường đề xuất điều chỉnh mức bội chi ngân sách tăng thêm 2%-3% so với kế hoạch. Tăng bội chi thực chất là vay nợ công nhưng ông Cường lý giải: “Vay nợ công không phải để cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư, tạo ra những đột phá cho phát triển. Phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn, không chỉ để khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn thu hút các dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát”.

28,2

triệu người từ 15 tuổi trở lên trên cả nước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đã bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập, theo số liệu về thị trường lao động trong quý III-2021. So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch COVID-19 trong quý III-2021 đã tăng thêm 15,4 triệu người.

Vì vậy, cần có chính sách hỗ trợ cho cả nhóm lao động phi chính thức để làm giảm sự bất bình đẳng trong thị trường lao động nói riêng và nền kinh tế nói chung. Nếu không thì tình trạng này có thể “dẫn tới việc bất ổn về mặt xã hội cũng như là trật tự an ninh xã hội”.

ĐB ĐOÀN THỊ THANH MAI (Hải Dương) 

Khoan thư sức dân, cải cách thể chế

Cho rằng mình phát biểu bằng “nhìn thẳng vào sự thật, không tô hồng, không bôi đen”, ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Ủy ban Tài chính - Ngân sách) tập trung nói về ngân sách, trong đó là chính sách thuế. Bà đề nghị hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế. Điều đó có nghĩa là ba năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế.

“Cần hết sức cân nhắc giải pháp trên” - bà Mai nói. Năm 2022, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách miễn, giảm thuế và nếu tới đây QH ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế cũng có thể sẽ bao gồm cả chính sách này.

“Hiện nay, chúng ta nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh. Điều đó cần thiết và hợp lý hơn là chính sách tận thu” - bà Mai nói.

Bà Mai cũng cho rằng cần phải quan tâm đến thể chế pháp luật. Bởi dịch COVID-19 đã làm lộ những thiếu hụt về quy định pháp lý; có những tình huống không đủ căn cứ pháp lý để xử lý, dẫn đến áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất. Vì vậy, bà cho rằng cần rà soát tổng thể để có khuôn khổ pháp lý vững chắc, mang tính dự báo cao.

Theo ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định), giải pháp cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN là cách để nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, cải cách thể chế. Hiện chất lượng thực thi chính sách pháp luật vẫn là điểm nghẽn. Chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật vẫn là vấn đề nghiêm trọng, tạo gánh nặng không nhỏ cho DN.

ĐB Ba đề nghị thực hiện nghiêm việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho DN và việc này phải là yêu cầu từ khâu soạn thảo đến thi hành pháp luật. Ông cũng lưu ý việc đặt ra các điều kiện kinh doanh phải thận trọng, chặt chẽ, phải xử lý nghiêm những trường hợp ban hành điều kiện kinh doanh trái luật.

“Cần tập trung cải cách thủ tục trong các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như đất đai, xây dựng, thuế, kho bạc, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, giao thông, môi trường lao động” - ĐB Ba nói.

ĐB Vũ Tiến Lộc thì đề nghị “không thể một chút lơ là, nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta vẫn cứ phải là tiếp tục đẩy mạnh các cải cách thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” để không lỡ nhịp với thiên hạ.

“Chính niềm tin và những cải cách thể chế mạnh mẽ và thực chất, chứ không phải là các gói hỗ trợ về tiền bạc, sẽ định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam” - ông Lộc nói.

 

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:

Đầu năm 2022, thị trường lao động có thể phục hồi như bình thường

Đại dịch ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động, tuy nhiên điều đáng mừng là trong hơn một tháng qua, tình hình đang tiến triển rất khả quan.

Báo cáo tại các tỉnh phía Nam và qua kiểm tra cho thấy việc phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 50%-80%; số lao động phục hồi hiện nay là 70%-75%, cá biệt có địa phương tới 90%. Như vậy, so với yêu cầu đáp ứng đơn hàng, chúng ta còn thiếu lực lượng lao động nhưng tình hình không trầm trọng...

Dự báo quý I và đầu quý II-2022, nếu không có diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi trở lại thị trường lao động như bình thường là đáp ứng được.

Liên quan đến việc triển khai các gói hỗ trợ, về cơ bản, chúng ta tương đối chủ động, làm bài bản, thực hiện theo lộ trình, đi đôi với xử lý linh hoạt các phát sinh, các tình huống cụ thể.

Trong phòng chống dịch, Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Thường vụ QH, Chính phủ đã chỉ đạo ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Trong đó có ba gói chính sách lớn, nhiều chính sách chưa có tiền lệ…

Kết quả, đến nay gói hỗ trợ theo Nghị quyết 42 đã có trên 14 triệu đối tượng thụ hưởng. Gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, qua bốn tháng triển khai, toàn quốc đã phê duyệt gần 26.000 tỉ đồng, hỗ trợ cho hơn 26,7 triệu đối tượng thụ hưởng.

Gói hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã rà soát hỗ trợ 363.000 người sử dụng lao động, hỗ trợ tiền từ kết dư quỹ bảo hiểm cho trên 8 triệu người lao động. 85% lực lượng lao động trong đối tượng thụ hưởng đã được hỗ trợ, với số tiền gần 21.000 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm