Chủ tịch nước: Từng bước nới giãn cách, giúp TP.HCM phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 2-10, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc với cử tri là các doanh nghiệp trên địa bàn TP.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự tại điểm cầu Văn phòng Chủ tịch nước.

Chủ tịch nước phát biểu tại điểm cầu Văn phòng Chủ tịch nước. Ảnh: TTXVN

Kinh tế TP.HCM tăng trưởng âm

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chia sẻ với người dân TP.HCM về những đau thương, mất mát, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đối với người dân, các doanh nghiệp (DN) do phải dừng các hoạt động khi trải qua bốn tháng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Xuân Phúc, do tác động của dịch bệnh, trong chín tháng đầu năm 2021, cả nước có 90.300 DN phải dừng hoạt động, riêng TP.HCM có gần 16.000 DN ngừng hoạt động và giải thể.

Kinh tế quý III-2021 của TP.HCM âm 24,39%, cả ba quý âm 4,98%. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua.

Chủ tịch nước biểu dương các DN dù gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực chung sức, đồng lòng cùng chính quyền TP chống dịch. Nhiều DN đã hỗ trợ tài lực, vật lực, nhân lực cho tuyến đầu chống dịch và hỗ trợ an sinh xã hội.

Một số DN gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao và không an toàn nhưng vẫn cố gắng vượt khó khăn với hình thức tổ chức sản xuất phù hợp để giữ sản xuất và giữ chân người lao động.

"Những khó khăn hiện nay là tạm thời. Tương lai còn nhiều thách thức nhưng ánh sáng đã xuất hiện. Giai đoạn cuối đường hầm này, nhiều cơ hội kinh tế đã mở ra, không chỉ bù đắp lại những mất mát đã qua mà còn là cơ hội lớn để phát triển thời gian tới” - ông Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông khẳng định Đảng, Nhà nước và chính quyền TP cùng các bộ, ngành Trung ương đang và sẽ tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, từng bước nới dần giãn cách xã hội, giúp phục hồi kinh tế TP.

Đặc biệt, các cơ quan Trung ương sẽ có chính sách cụ thể hỗ trợ cho DN về tài chính, tiền tệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu tại điểm cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH TP.HCM. Ảnh: TÁ LÂM

Lao động rời TP.HCM ước tính vài trăm ngàn người

Tại hội nghị, báo cáo đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với DN trên địa bàn TP, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho biết hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội từ 9-7 đến nay.

Chỉ có gần 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình 3 tại chỗ, một cung đường 2 địa điểm.

Các DN còn duy trì hoạt động chủ yếu để bảo đảm sản xuất cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân... nhưng chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được.

“Khách hàng tụt giảm, doanh thu không đủ bù đắp chi phí, dòng tiền bị thu hẹp đáng kể thậm chí không đủ trả nợ tiền vay và lãi tiền vay đến hạn. Chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng” - ông Dũng nói.

Tác động của phí vận chuyển trong hoạt động logistic làm điêu đứng các DN xuất nhập khẩu. Giá phí vận chuyển container tăng 4-5 lần so với trước dịch làm tăng giá sản phẩm Việt Nam bán ở nước ngoài.

Từ đó giảm mạnh lợi thế so sánh khi xuất khẩu, cũng như gia tăng giá đầu vào hàng nhập khẩu, gây khó khăn cho lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Tác động ngành logistic còn gây ảnh hưởng lớn cho các ngành nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, kể cảc ngành xây dựng - bất động sản.

Hầu hết các sản phẩm, nguyên liệu phục vụ cho xây dựng đều tăng giá (đặc biệt là giá thép xây dựng) làm cho các đơn vị khó thực hiện cam kết giá thầu như hợp đồng đã ký. Điều này dẫn đến tình trạng chậm trễ giao hàng do phải đàm phán lại, thậm chí hủy hợp đồng, chịu phạt vi phạm...

Qua khảo sát cho thấy 40% DN còn dòng tiền duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng đã tạm ngừng hoạt động và chỉ có 17,7% DN đang duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tỉ lệ tạm DN có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng là đều quanh mức 46%.

Số lượng DN giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so mới số DN thành lập mới. Các DN giải thể, ngừng hoạt động hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, du lịch, hoặc không thuộc ngành thiết yếu theo quy định.

Theo báo cáo thống kê thì đến tháng 8-2021, TP.HCM có 24.000 DN rời khỏi thị trường tính từ đầu năm, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các DN chưa khai báo.

Về tình hình lao động, có tới khoảng gần 30% lao động bị mất việc làm; trong đó ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%.

“Do mất việc, người lao động không có thu nhập đã đè nặng áp lực lên công tác an sinh xã hội của TP.

Số người lao động phải rời TP về quê ước tính vài trăm ngàn người. Một bộ phận người lao động do bị tác động của đại dịch có tâm lý hoang mang, không muốn quay lại làm việc” - ông Dũng nói và cho rằng đây sẽ là khó khăn lớn khi DN phục hồi sản xuất trở lại.

Trước khó khăn đó, ông Chu Tiến Dũng đề nghị Chính phủ và TP.HCM, các tỉnh cần có giải pháp tạo điều kiện thuận lợi (về lưu thông và tiêm vaccine) để người lao động có thể quay lại DN sau khi kiểm soát được dịch bệnh.

'Nhiều doanh nghiệp chết oan vì... ngăn sông cấm chợ vô lối'
'Nhiều doanh nghiệp chết oan vì... ngăn sông cấm chợ vô lối'
(PLO)- TS. Vũ Tiến Lộc nói: Lúc đóng lúc mở, lúc siết lúc buông, trên nói một đằng dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường, tỉnh B rào chắn, huyện bảo DN được vận hành bình thường, xã lại bảo người lao động ai ở đâu yên đó, ngăn sông cấm chợ vô lối làm cho DN chết oan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm