Các bước đi cần thiết để phục hồi kinh tế TP.HCM

TP.HCM đã trải qua hơn hai tuần thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng đại dịch COVID-19 là một đợt khủng hoảng và khi bước vào giai đoạn hậu đại dịch thì điều trước tiên phải làm là xây dựng lại lòng tin, rồi mới bàn tính đến các kế hoạch chi tiết về tái thiết, phục hồi “sức khỏe” cho đời sống - kinh tế.

. Phóng viên: Nhìn toàn cảnh bức tranh đời sống - kinh tế ở TP.HCM trong giai đoạn hồi sức sau đại dịch,đâu là các yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay, thưa ông?

+ TS Trương Minh Huy Vũ: Tôi cho rằng TP chỉ vừa bước qua giai đoạn khó khăn nhất trong phòng chống dịch COVID-19, vì vậy “sức khỏe” của nền kinh tế còn rất yếu và đang trong giai đoạn hồi sức.

Tôi rất đồng tình với ý kiến của Bí thư Nguyễn Văn Nên tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 9, khóa XI rằng đại dịch đã giúp chúng ta “thấy rõ ưu - khuyết của tổ chức, cá nhân trong bộ máy” ở góc độ quản trị công. Ví dụ, chúng ta thấy sự cát cứ, manh mún, thiếu phối hợp trong thực hiện chính sách và các chức năng, nhiệm vụ được giao của từng cơ quan nhà nước; sự phân mảnh quyền lực theo chiều ngang (giữa các sở, ban, ngành với nhau) và theo chiều dọc (giữa chính quyền TP và quận, huyện, TP Thủ Đức).

Chúng ta cũng thấy được các vấn đề về cán bộ, sử dụng cán bộ và đánh giá cán bộ; những bất cập trong mối quan hệ giữa TP.HCM, trung ương, cũng như mối quan hệ giữa TP với các địa phương khác. Đại dịch cũng làm bộc lộ những hạn chế trong hoạt động truyền thông chính sách, cũng như trong giao tiếp với người dân khi các khủng hoảng xảy ra. Đặc biệt, khủng hoảng lần này cho thấy tầm quan trọng của việc tổ chức thu thập, phân tích, sử dụng cơ sở dữ liệu trong điều hành, quản lý.

Đó là tất cả vấn đề mà TP sẽ phải giải quyết trong thời gian tới nhằm thực hiện những mục tiêu cấp thiết nhất hậu đại dịch, đó chính là: (i) Phục hồi kinh tế và (ii) Tái thiết các nền tảng vững chắc cho phát triển của TP trong dài hạn.

. Yêu cầu đặt ra để hoàn thành từng mục tiêu phục hồi kinh tế như thế nào?

+ Như một người vừa qua giai đoạn liệt giường sau cơn bạo bệnh, TP cần được bình phục trước khi nghĩ đến chuyện vận động mạnh và phát triển. Giai đoạn phục hồi đã bắt đầu và sẽ kéo dài đến quý II năm sau. Yêu cầu lớn nhất của quá trình phục hồi đó là tốc độ, mạnh mẽ, cụ thể và sự chính xác. Trong đó, chính quyền TP cần giải quyết sớm và hiệu quả các nhu cầu của xã hội đặt ra sau đại dịch. Muốn vậy, chính quyền TP phải đánh giá được năng lực đáp ứng của mình với thực tiễn, huy động thêm nguồn lực tiềm năng và sắp xếp các yêu cầu của xã hội theo thứ tự ưu tiên, có chọn lọc để có lộ trình phù hợp, tránh can thiệp không đúng chỗ, sai đối tượng.

Sẽ có 11 vấn đề cần tính toán để phục hồi khẩn cấp, bao gồm: Hệ thống y tế điều trị phù hợp với giai đoạn thích ứng an toàn, tổ chức lại hệ thống sản xuất, tổ chức hoạt động thương mại và chợ, vận hành các ngành dịch vụ, hoạt động kinh tế phi chính thức, nguồn lao động, tổ chức an sinh xã hội, hoạt động xây dựng và nhà ở - nhà ở xã hội, hoạt động giáo dục và trường học, giao thông vận tải, kế hoạch huy động các nguồn lực cho TP.

Như vậy, có thể thấy yêu cầu đầu tiên đó là phải điều chỉnh bộ máy, từ “Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM” hiện nay thành “Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM”. Trong đó, cần đặt ra những nhiệm vụ sát với những vấn đề cần phục hồi đi liền với các diễn tiến về dịch tễ.

Tất nhiên, khi phát sinh nhiệm vụ mới thì nhân sự cũng cần được kiện toàn tương ứng, với sự bổ sung của các thành viên có chuyên môn về kinh tế, chính sách công, an sinh xã hội. Cơ chế này cần thúc đẩy song song nhiều biện pháp mạnh mẽ, chẳng hạn như thí điểm cho một vài địa phương, đơn vị thực hiện các chính sách phục hồi sau dịch lấy tốc độ và sự hiệu quả làm thước đo. Hay xây dựng các đội đặc nhiệm (task force) để thúc đẩy thực hiện các vấn đề phục hồi mang tính liên ngành, cần sự vào cuộc của nhiều sở, ngành. Các hoạt động này cần quy ra những chỉ số đo lường hiệu quả công việc theo từng tuần, từng tháng để đeo bám và triển khai.

 

Việc thu thập và có sẵn nền tảng dữ liệu liên quan đến dịch bệnh COVID-19 trong thời gian vừa qua, cùng với dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu an sinh xã hội… tạo cho TP.HCM cơ hội để nghiên cứu, thúc đẩy nhanh hệ sinh thái dữ liệu mở cho các việc phục hồi và phát triển kinh tế, thúc đẩy các ngành kinh tế số hiện nay và trong thời gian tới. TS. TRƯƠNG MINH HUY VŨ

. Giai đoạn tái thiết, theo ông, có thể diễn ra từ giữa năm 2022. Như vậy, có thể hình dung những định hướng chiến lược tới đây sẽ là gì?

+ Khi cơ bản “khỏe lại” thì TP cần bắt đầu tập trung xây dựng nền tảng mới để chuẩn bị cho quá trình phát triển bền vững. Giai đoạn này tập trung vào việc tăng cường năng lực của chính quyền TP thông qua việc cải cách các cơ quan nhà nước và tổ chức công lập. Chính quyền TP chỉ cần tập trung vào một số lĩnh vực nhất định mang tính trọng tâm, đồng thời trao quyền cho xã hội, nhất là khu vực tư nhân để cùng đồng hành và chung tay, góp sức với mình.

Có năm định hướng chiến lược quan trọng đã được thảo luận và thống nhất trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, cũng như một số vấn đề trở nên cấp bách do đại dịch. Thứ nhất, TP.HCM trở thành trung tâm dịch vụ của khu vực Đông và Tây Nam bộ, trung tâm kết nối giao thông vùng. Dịch bệnh cho thấy Nam bộ là một hệ sinh thái có tương quan mật thiết với nhau trong chuỗi giá trị với TP, đóng vai trò nhà cung cấp dịch vụ cho các khu công nghiệp ở miền Đông và sản xuất nông nghiệp ở miền Tây. Làm sao phải thông suốt các chuỗi này chính là bài toán then chốt.

TP xã hội là định hướng chiến lược tiếp theo của TP.HCM, khi cả hạ tầng xã hội như nhà ở, khu lưu trú công nhân, chung cư cũ và mạng lưới an sinh đều bị thách thức sau thời gian giãn cách xã hội. Thứ tư là định hướng phát triển TP thành trung tâm tài chính của khu vực và thế giới trong dài hạn với kế hoạch tổng thể về thu hút nguồn lực cho TP. Và cuối cùng là hệ thống quản trị công được xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu và ứng dụng công nghệ mới.

. Rõ ràng giai đoạn phục hồi và tái thiết đều nhấn mạnh đến vai trò của cải cách (bộ máy lẫn quy trình), nguồn lực (nhất là từ xã hội). Điểm mấu chốt để thúc đẩy vai trò của các yếu tố này là gì, thưa ông?

+ Tôi cho rằng đó là “lòng tin”. Chúng ta có nhiều nhân tố tham gia vào quá trình phục hồi và tái thiết, bao gồm: Chính quyền nhà nước, các tổ chức, đoàn thể (doanh nghiệp, công sở, hộ kinh doanh…) và mỗi cá nhân trong xã hội. Trải qua đại dịch vừa rồi, những lúng túng và hạn chế phát sinh ở hệ thống quản trị công cũng như những thiệt hại về con người, tài sản, công sức đã khiến lòng tin trong xã hội bị suy giảm. Ngược lại, trong đại dịch chúng ta cũng có những cá nhân sáng tạo, nghĩa hiệp, hết lòng vì việc chung; những hợp tác Nhà nước - nhân dân ấm áp nghĩa tình, tương thân, tương ái; những sáng kiến, cách làm mới đầy sáng tạo từ cộng đồng. Đó là tài sản quý báu để từng bước phục hồi sự tin tưởng lẫn nhau, tạo đồng thuận xã hội, làm nền tảng cho việc phối hợp có thể trở nên mạch lạc, nhuần nhuyễn, hiệu quả.

. Ông kỳ vọng vào sự thay đổi quan trọng nào của TP một khi cả hệ thống đã có thể củng cố niềm tin và tự tin bước vào quá trình phục hồi, tái thiết sau dịch?

+ Khủng hoảng đã làm nổi bật sự thật rằng thay đổi có thể diễn ra một cách không lường trước được. Rất khó để mô tả chính xác tất cả vấn đề phát sinh tiếp theo. Do đó, cần áp dụng cách tiếp cận mang tính tổng thể và các giải pháp dựa vào “hệ sinh thái”. Theo đó, từ mối quan hệ phân cấp (hierarchical relations) dựa trên tổ chức bộ máy nhiều tầng nấc cần điều chỉnh nhanh chóng sang mối quan hệ hợp đồng (contractual relations) bên trong các tổ chức và giữa các sở, ban, ngành TP, cũng như với các đơn vị ngoài xã hội.

Các mô hình hợp tác công - tư, hợp tác xã hội công dân trong cung cấp dịch vụ công hay giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng sẽ trở thành xu thế, với các sáng kiến, ý tưởng bắt đầu từ cơ sở và khu dân cư. Trong quá trình đó, chính quyền TP cần xây dựng mối quan hệ hợp tác tốt đối với các tác nhân khác trong xã hội để có thể tận dụng các mối quan hệ này khi cần, vừa phải tận dụng đại dịch vừa qua như chất xúc tác cho việc “sửa đổi lề lối làm việc” ở các cấp lãnh đạo và quản trị của TP trong thời gian tới.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm