Sáng 16-10, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022–2025.
Tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn Chính phủ đã nêu ý kiến về các biện pháp mà TP cần làm ngay trong thời điểm này.
Chính sách hỗ trợ của TP.HCM phải cao hơn cả nước
Theo ông Lịch, có ba biện pháp trước mắt chính quyền TP.HCM cần làm ngay.
Thứ nhất là triển khai hiệu quả Nghị quyết 128 và mở rộng hoạt động kinh tế để doanh nghiệp và người dân tự tổ chức lại sản xuất với động lực tự nhiên của “lò xo bị nén”.
Thứ hai, UBND TP.HCM cần chủ động quan hệ với các địa phương để khai thông hệ thống vận tải, chấm dứt tình trạng chia cắt theo ranh giới hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.
TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTBC
Thứ ba, UBND TP.HCM cần chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM phối hợp với doanh nghiệp để hỗ trợ đưa lao động ở các địa phương trở về làm việc theo nhu cầu mở rộng hoạt động của doanh nghiệp. Cùng với đó, giao Sở LĐ-TB&XH nắm bắt nhu cầu lao động của doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP để có kế hoạch phối hợp với các địa phương hỗ trợ lao động quay lại làm việc.
Về những giải pháp căn cơ, ông Lịch cho rằng cần nâng cao hiệu quả hành chính công, quản trị công theo nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công là trách nhiệm của bộ máy hành chính nhà nước.
“Với tinh thần chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp, đòi hỏi bộ máy hành chính của TP phải thực sự xem việc cung cấp dịch vụ hành chính công cho doanh nghiệp và người dân là trách nhiệm, chứ không phải xin - cho” – ông Lịch nói.
Về giải pháp hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội, ông Lịch đề xuất mức cao hơn mặt bằng chung cả nước. Đặt biệt về thời gian và đối tượng được giảm, miễn thu; việc khoanh nợ, giãn nợ tín dụng; giảm lãi xuất vay và các gói tín dụng ưu đãi.
Bởi theo ông, TP.HCM là địa phương chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và là nơi có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt lâu nhất.
Cần đội đặc nhiệm để thúc đẩy phục hồi kinh tế TP.HCM
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng TP.HCM cần khẩn cấp phục hồi kinh tế.
Hai giai đoạn trong thời gian tới là “giai đoạn phục hồi kinh tế” (từ ngày 1-10-2021) và “giai đoạn tái thiết – phát triển thành phố” (từ giữa năm 2022 trở đi).
TS Trương Minh Huy Vũ, Giám đốc Khu Công nghệ phần mềm, Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTBC
Theo ông Vũ, có 11 vấn đề cần phục hồi khẩn cấp: Y tế và điều trị trong tình hình mới; tổ chức lại sản xuất; thương mại và chợ; các ngành dịch vụ; kinh tế phi chính thức; lao động; an sinh xã hội; xây dựng, nhà ở lưu trú, nhà ở xã hội; giao thông vận tải; giáo dục – đào tạo; chuẩn bị và triển khai các phương án khả thi để huy động các nguồn lực cho TP.HCM.
Bên cạnh đó, TP cần tạo cơ chế thí điểm, chủ động phân quyền cho 1-2 địa phương, đơn vị trong một số lãnh vực nhất định, từ đó tiếp tục mở rộng.
“Cần tạo cơ chế đội đặc nhiệm (task forces) để thúc đẩy các vấn đề trên trong giai đoạn phục hồi. Đội đặc nhiệm nằm trong trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM; mục tiêu là phát hiện, theo đuổi, xử lý vấn đề trọng tâm liên ngành” – ông Vũ nói.
Còn giai đoạn tái thiết TP.HCM như người bệnh đã khỏe lại, tuy vậy ông Vũ cho rằng khi qua cơn bạo bệnh cần phải từ bỏ các thói quen cũ. Chú trọng của giai đoạn này là điều chỉnh và xây dựng nền tảng mới ở một số lĩnh vực. TP cần thúc đẩy quan điểm quản lý từ việc chỉ tập trung đánh giá các yếu tố đầu vào và quy trình, thủ tục sang việc bao gồm cả đánh giá yếu tố đầu ra và kết quả công việc. Tăng cường việc lượng hóa, đo lường các tiêu chuẩn, chỉ số hiệu suất công việc…
Kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng 7,5%
Ở góc nhìn nền kinh tế chung cả nước dưới tác động của dịch COVID-19, ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng khi có độ phủ vaccine cả hai liều trên 80% dân số, tỉ lệ người nhiễm chuyển nặng và tỉ lệ tử vong được kiểm soát ở mức thấp thì chính sách cần theo hướng các hoạt động kinh tế sẽ không đóng lại, trừ những dịch vụ có mức độ tiếp xúc trực tiếp nhiều người cao.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTBC
Với chính sách mở cửa này cộng với gói hỗ trợ phía tài khóa thì kinh tế Việt Nam năm 2022 có thể tăng trưởng ở mức 7,5%. Và để đảm bảo ổn định vĩ mô, không bơm tiền cho nền kinh tế nhưng linh hoạt theo hướng luôn đảm bảo thanh khoản tốt cho hệ thống ngân hàng và thị trường tiền tệ. Không để lãi suất tăng khi lạm phát vẫn trong tình hình kiểm soát tốt. Ngân hàng Nhà nước định hướng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho cả nền kinh tế trong năm (có thể đặt mục tiêu tăng tín dụng 13%) nhưng không áp đặt hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.
Ngoài ra, cần bố trí vốn và đẩy nhanh tiến độ các công trình cơ sở hạ tầng. Bởi ngay cả khi sản xuất phục hồi, nhưng đầu tư tư nhân thì thường sẽ không phục hồi nhanh. Do vậy, các dự án đầu tư công cần được đẩy mạnh giải ngân ngay sau khi nới lỏng giãn cách.
Đối với TP.HCM, ông Thành cho rằng với việc TP đã mở cửa dần, kinh tế quý IV sẽ có tăng trưởng dương. Tuy nhiên, việc khôi phục sản xuất, kinh doanh sẽ không thể thực hiện ngay trong tháng 10 mà chỉ bắt đầu từ tháng 11-2021. Theo ông, nếu tăng trưởng quý IV là 3,5% thì tăng trưởng cả năm sẽ là 2,2%.
Ông Thành đề nghị sau khi mở cửa lại hoạt động sản xuất kinh doanh, TP cần ưu tiên chính sách tháo gỡ ắch tắc vận tải đường bộ và cảng biển.
“TP.HCM phải đi đầu trong mở cửa quốc tế. Nếu TP có thể mở cửa trước thì tác động phục hồi với du lịch, khách sạn, nhà hàng sẽ rất lớn” - ông Thành nói.
Đề xuất dành gói vay 1 tỉ USD phát triển TP Thủ Đức
GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng TP Thủ Đức là địa bàn đột phá về kinh tế tri thức của TP.HCM. Do đó, theo ông, TP.HCM cần tập trung phát triển khu vực phía Đông này.
Ông kiến nghị TP.HCM nên dành một gói vay ít nhất 1 tỉ USD thông qua trái phiếu dành riêng cho TP Thủ Đức trong năm nay để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế tri thức. "Đợi ngân sách thì không bao giờ có. Tuy nhiên nếu có 1 tỉ USD này sẽ kéo thêm 5-7 đơn vị khác vào đầu tư" - ông Nhân nói.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và các sở ngành khẩn trương khẩn trương tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện chương trình phục hồi kinh tế của TP theo tinh thần "vừa thiết kế vừa thi công", tức là vừa hoàn thiện chương trình khung, vừa nghiên cứu hoàn thiện các đề án, kế hoạch, dự án cụ thể để triển khai.
Ông Mãi cũng khẳng định, với truyền thống năng động và sáng tạo, TP.HCM sẽ đi trước, nghiên cứu các cơ chế chính sách để xin thí điểm triển khai.
Cần miễn học phí cho sinh viên có ba, mẹ mất vì COVID-19 PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng cùng với việc quan tâm đến các trẻ em mồ côi vì COVID-19, TP rất cần quan tâm đến sinh viên có ba, mẹ mất vì COVID-19. “Nhiều em sinh viên mồ côi đang rất bơ vơ, thậm chí sang chấn tâm lý và rơi vào cảnh không còn tiền để học tập. Các em cũng chưa thể đi làm thêm được vì vừa trải qua biến cố; hoặc chưa thuận tiện kiếm việc làm thêm vì nhiều nhà hàng, quán ăn chưa mở cửa trở lại, việc dạy thêm tực tuyến cũng không thuận lợi” – ông Ngân nói. Theo ông Ngân, đối với những sinh viên này, trước mắt rất cần các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp miễn học phí cho năm học 2021-2022. Đối với nhóm sinh viên khác có hoàn cảnh khó khăn, cũng rất cần được quan tâm hỗ trợ bằng việc mở rộng cánh cửa cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội, giúp các em có điều kiện đóng học phí và trang trải chi phí sinh hoạt. Hiện nay, nhiều sinh viên chưa đi làm thêm được nên Ngân hàng chính sách xã hội cần cho vay vừa để đóng học phí, vừa đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo chi phí sinh hoạt cho các em. |