Theo tôi, khoảnh khắc giá trị ở giải thưởng Fair Play 2017 do báoPháp Luật TP.HCM tổ chức là hành động nhân văn của người về nhất Văn Toàn khi trao tặng toàn bộ số tiền thưởng của mình cho người về thứ ba Trần Thị Thùy Trang. Đơn giản Văn Toàn muốn giúp đồng nghiệp nữ của mình có thêm tiền chữa trị cho mẹ đau nặng ở quê Đại Lộc (Quảng Nam).
Qua tìm hiểu, tôi biết Văn Toàn hoàn toàn không có “một sự gợi ý nào” để tạo dựng hình ảnh cá nhân. Hành động đẹp của Văn Toàn đơn thuần là tự nguyện, không tính toán và chỉ vì tình cảm của mình đối với đồng nghiệp. Theo tôi, đây là một hành động fair play nhất!
Có nhiều đồng tình với việc cho rằng đây là quả ngọt của quá trình “trồng người” của lò HA Gia Lai. Riêng tôi còn tự tin trông chờ trong tương lai bóng đá Việt Nam sẽ nhận nhiều quả ngọt tương tự ở các lò đào tạo khác nữa, thậm chí từ nhiều cá nhân, tổ chức đang tham gia hoạt động bóng đá tại Việt Nam từ hiệu ứng lan tỏa của Văn Toàn.
Chính cầu thủ của HA Gia Lai đã chia sẻ anh ngưỡng mộ các cầu thủ nữ luôn vượt qua mọi khó khăn của đời sống bóng đá, huống hồ với Thùy Trang - một cô gái nhỏ nhắn nhưng giàu nghị lực trên sân bóng cùng một tấm lòng hiếu thảo giữa đời thường.
Cử chỉ đẹp của Văn Toàn vô tình đi đúng vào trọng tâm giải thưởng Fair Play bằng sự khích lệ, động viên mọi người hãy cư xử tử tế với nhau cả trong bóng đá lẫn đời thường. Giải thưởng có tên gọi “Bóng đá cao thượng” nhằm xóa bỏ những hình ảnh xấu xí và cải thiện, nhân rộng những cái đẹp trong đời sống bóng đá Việt Nam. Đấy là con đường đưa người ta hướng về cái Chân - Thiện - Mỹ!
Bóng đá phản chiếu phần nào đó tấm gương xã hội. Và giữa một xã hội còn đầy rẫy những tham sân si, giải thưởng Fair Play mới ở tuổi lên sáu năm nào cũng dày công tìm kiếm và tôn vinh nhiều tấm gương đẹp - những hành động đẹp trong tâm hồn đẹp!