Khóc cười khi điều trị bệnh nhân COVID-19 người nước ngoài

“Do Bệnh viện (BV) dã chiến số 12, TP.HCM tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 nhập cảnh (người nước ngoài và Việt kiều) nên tôi cùng nhiều nhân viên y tế gặp nhiều cái khó. Tuy nhiên, mọi việc rồi cũng có hướng giải quyết suôn sẻ” - BS Trần Bá Tòng (30 tuổi) chia sẻ.

Nhân viên y tế BV dã chiến số 12 giải thích với F0 nhập cảnh
việc sử dụng ghế xếp. Ảnh: BVCC

Nằm ghế xếp không quen

Do khẩu vị F0 nhập cảnh không giống người Việt Nam nên BV đưa ra nhiều món ăn phù hợp để họ lựa chọn.

“Ấy vậy mà khi BV giao thức ăn, không ít F0 nhập cảnh lắc đầu, chẳng chịu ăn với lý do “không hợp, không ngon”. BV phải để họ chọn lựa món khác đến khi ưng ý thì thôi” - BS Tòng nói.

Đối với F0 nhập cảnh ăn uống khó khăn nhưng có người thân ở TP.HCM, BV đồng ý cho họ nhờ người thân nấu nướng rồi mang tới BV. Tuy nhiên, BV phải kiểm tra kỹ chất lượng thức ăn người thân nấu trước khi giao cho F0. “Thế nhưng cũng có F0 làm nũng, nói nấu không ngon. Lúc này, BV phải nói người nhà gọi điện thoại thuyết phục F0 ráng ăn hết để có chất dinh dưỡng” - BS Tòng nói thêm.

Kế đến là chuyện ngủ nghỉ. Do là BV dã chiến nên F0 nhập cảnh khi vào được phát ghế xếp. Lấy lý do không thể nằm ghế xếp vì đau lưng, đa phần F0 yêu cầu giường nệm. Do không có giường nệm nên BV phát chiếu. Lấy lý do không quen nằm chiếu, họ cũng không chịu nhận.

“Chúng tôi phải giải thích đi giải thích lại rằng đây là BV dã chiến, không phải khách sạn nên không bố trí giường nệm. Hơn nữa, do chỉ điều trị ngắn ngày nên F0 chịu khó nằm ghế xếp vài bữa. Cuối cùng, có lẽ quá mỏi mệt nên tất cả F0 nhập cảnh ngủ nghỉ trên ghế xếp ngon lành, không phàn nàn như trước” - BS Tòng cho biết.

Một tình huống khiến BS Tòng nhớ mãi. Một nữ F0 người Anh đang cho con bú nên cần dinh dưỡng để có sữa. Lấy lý do không hợp khẩu vị các món ăn do BV phục vụ, F0 này nhờ người thân nấu tại nhà rồi mang tới BV.

“Thức ăn từ nhà mang đến phải có giờ giấc cố định. Tuy nhiên, F0 này liên tục nói người nhà mang món này, đem món nọ tới nên BV không thể đáp ứng. F0 lẫy, nói “không cho tôi ăn, tôi nhịn đói để chết cả mẹ lẫn con”. Lúc này, các bác sĩ phải giải thích, an ủi… Mọi việc sau đó đều ổn” - BS Tòng cho biết.

Điều dưỡng giả bệnh để F0 chịu ăn uống

“Gần tết 2022, người nước ngoài đến Việt Nam du lịch rất đông, Việt kiều về thăm nhà cũng khá nhiều. Theo quy định, khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, tất cả người nhập cảnh phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nếu dương tính nhưng có triệu chứng mức độ trung bình sẽ được chuyển tới BV dã chiến số 12 để điều trị” - điều dưỡng Nguyễn Thị Huỳnh Mai (23 tuổi) cho biết.

Không ít F0 nhập cảnh rơi vào trạng thái bất ổn tâm lý khi vừa vào BV. Do đó, nhân viên y tế phải tư vấn, trấn an. “Có trường hợp F0 hoảng loạn, nói vì sao giữ họ và lớn tiếng đòi về. Lúc này, nhân viên y tế phải giải thích cặn kẽ căn bệnh COVID-19 họ mắc phải và sự nguy hiểm nếu không được điều trị. Khi hiểu ra, họ vui vẻ hợp tác” - điều dưỡng Mai cho biết thêm.

Khi vào BV dã chiến số 12, tất cả F0 nhập cảnh sẽ được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo quy định. Tuy nhiên, không ít F0 yêu cầu được lấy mẫu xét nghiệm hằng ngày. “Lý do F0 nhập cảnh muốn được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 hằng ngày là để mau được xuất viện. Tuy nhiên, điều này trái với quy trình của Bộ Y tế. Để F0 nhập cảnh hiểu được vấn đề, nhân viên y tế lại phải giải thích từng ly từng tí bằng tiếng Anh” - điều dưỡng Mai nói.

Trong thời gian công tác tại BV dã chiến số 12, một câu chuyện khiến điều dưỡng Mai không thể quên. Một F0 nhập cảnh xin được 14 ngày phép để về Việt Nam ăn tết với gia đình. Tuy nhiên, F0 này chẳng may dương tính với virus SARS-CoV-2 nên được chuyển tới BV dã chiến số 12.

“Theo quy định, F0 nhập cảnh điều trị tại BV dã chiến ít nhất năm ngày sẽ được xuất viện nếu đủ các điều kiện. Tuy nhiên, do F0 này xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 nên phải cách ly đủ 10 ngày. F0 này luôn khóc nghẹn đòi xuất viện. Mặc tôi giải thích, trấn an, F0 này dùng dằng và không chịu ăn uống hai ngày liền. Một hôm tôi giả vờ đau ốm, mệt mỏi, F0 hỏi nguyên do và tôi trả lời “Cô không ăn nên cháu nhịn đói theo cô luôn”. Lúc này, F0 mới chịu ăn phần cơm BV cung cấp và vui vẻ đợi tới ngày thứ 10 để được xuất viện” - điều dưỡng Mai chia sẻ.•

Không tránh khỏi những lúng túng ban đầu

BV dã chiến số 12 do BV Da liễu TP.HCM đảm trách, có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị F0 nhập cảnh.

Mỗi ngày, BV dã chiến số 12 nhận thông báo từ sân bay Tân Sơn Nhất tổng số chuyến bay từ nước ngoài đến TP.HCM. Mục đích để chủ động thời gian tiếp nhận người dương tính với virus SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chuyển tới.

F0 của BV dã chiến số 12 là người nước ngoài nên có những bất đồng ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, phong tục, ẩm thực… Do vậy, nhân viên y tế của BV không tránh khỏi những lúng túng ban đầu. Tuy nhiên, mọi việc sau đó đi theo chiều hướng tốt đẹp. Tất cả F0 và nhân viên y tế của BV hợp tác vui vẻ trong quá trình chăm sóc, điều trị và sinh hoạt hằng ngày.

Không ít F0 trước khi xuất viện đã gửi lời cám ơn tất cả nhân viên y tế của BV dã chiến số 12. Có F0 còn tặng món quà nho nhỏ để đánh dấu những kỷ niệm khó quên trong quá trình điều trị COVID-19 tại BV này.

BS ĐOÀN VĂN LỢI EM, Phó Giám đốc BV dã chiến số 12, TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm