Đã nghe đã thấy

Khối “ông” Việt ở nước ngoài giỏi tiếng Anh, sao lựa “ông” Phi?

Dự kiến đầu năm 2014, sở này sẽ đưa thêm 26 GV nữa trong kế hoạch tuyển 100 GV Philippines dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học và THCS. Đây là một nội dung nhằm thực hiện đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh (HS) phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2010-2020”. Theo Sở GD&ĐT TP.HCM, đề án đã được UBND TP thông qua và được triển khai từ năm 2012 với 100% kinh phí được “xã hội hóa” từ sự đóng góp của phụ huynh.

Qua hơn một năm thí điểm, theo phản ánh từ các trường, vấn đề khó khăn mà các trường đang phải đối diện là nguồn tài chính dùng để chi trả lương cho GV. Ngoài ra, việc tuyển dụng kéo dài cũng đẩy các trường vào thế bị động trong việc triển khai kế hoạch tăng cường khả năng ngoại ngữ cho HS.

Theo Sở GD&ĐT TP, những GV này được tuyển thông qua một công ty môi giới. Theo đó, mỗi GV được trả lương 2.000 USD/tháng. Theo tính toán, để trả lương cho GV, trung bình mỗi HS phải đóng 120.000 đồng/tháng. Nhưng thực tế qua một năm thí điểm, nhiều trường cho biết số tiền thu từ phụ huynh không đủ trả lương cho GV. Trước tình hình đó, không ít trường phải tìm nguồn thu khác để bù lỗ hoặc nhiều trường kết hợp nhận chung GV để san sẻ chi phí. Khó khăn về tài chính cũng là một trong những lý do khiến một số trường e dè khi đăng ký nhận GV Philippines. Có trường đã đăng ký nhưng phải hủy do không huy động được tiền từ phụ huynh.

Trong tình hình dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông còn nhiều hạn chế thì việc Sở GD&ĐT TP triển khai đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho HS phổ thông và chuyên nghiệp TP.HCM giai đoạn 2010-2020” cần được khuyến khích. Tuy nhiên, việc cần bàn là làm thế nào để đề án được triển khai có hiệu quả cao nhất.

Về nguồn tài chính để thực hiện đề án, việc kêu gọi xã hội hóa là không sai trong tình hình hiện nay. Nhưng với cách thức kêu gọi đóng góp bình quân từ phụ huynh thì trước hết cần phải tham khảo ý kiến của đại diện hội Phụ huynh HS để từ đó có sự đồng tình, thống nhất cao trong xã hội. Cách làm của Sở GD&ĐT TP vừa qua có qua khâu này? Nếu chưa thì e rằng có phần vội vã. Về nguồn tuyển GV, việc chỉ tuyển GV Phi và thông qua một công ty môi giới như cách làm hiện nay chưa thật hiệu quả. Thay vào đó nên công khai yêu cầu tuyển dụng kèm theo cả mức lương. Với mức lương 2.000 USD/tháng, chúng tôi nghĩ có thể lôi kéo được những người Việt ở nước ngoài có khả năng Anh ngữ trở về phục vụ đất nước. Ngoài ra, còn có thể thu hút một số GV bản ngữ đến từ các nước nói tiếng Anh có nhu cầu đến Việt Nam làm việc. Chắc chắn khả năng tiếng Anh của họ không hề thua kém các GV Phi, đồng thời với cách làm này nguồn tuyển sẽ dồi dào, đa dạng hơn và không đẩy các trường vào thế bị động vì phải chờ GV như hiện nay. Chưa kể, nếu là GV người Việt thì sẽ thuận lợi hơn trong việc hòa nhập, trao đổi công tác.

Hy vọng ngành GD&ĐT TP.HCM lắng nghe và có sự thay đổi kịp thời, đưa việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông ở TP.HCM lên một chất lượng mới.

QUANG ÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới