Không cần thêm cơ chế kiểm soát người dùng Facebook

Dự thảo đề án của Bộ TT&TT về việc xây dựng bộ quy tắc (BQT) ứng xử trên mạng xã hội (MXH) áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH tại Việt Nam được dư luận chú ý nhiều. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải xây dựng BQT này vì nó không có ý nghĩa về mặt xã hội, trong khi cơ chế kiểm soát người dùng MXH (mà chủ yếu là Facebook) hiện nay đã tương đối đầy đủ.

Luật đã có các quy định

Theo luật sư (LS) Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM), khoản 3 Điều 26 Luật An ninh mạng (có hiệu lực từ ngày 1-1-2019) đã quy định: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng MXH nói chung có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, phải lưu trữ dữ liệu này.

Tại khoản 1 Điều 24 dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An ninh mạng cũng nêu: “Dữ liệu về thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số CMND, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học”.

Như vậy, người sử dụng dịch vụ MXH sẽ bị điều chỉnh theo quy định nêu trên. Luật này là cơ sở pháp lý vững chắc bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về quy định với công chức, viên chức trong dự thảo đề án BQT, LS Hoan nói: “Trước hết họ là công dân và khi đã tham gia MXH thì phải tuân theo Luật An ninh mạng. Ngoài ra, họ còn bị điều chỉnh bởi Luật Công chức, viên chức. Việc BQT đặt thêm các quy định để điều chỉnh hành vi của họ là vượt quá thẩm quyền theo pháp luật. Nếu công chức, viên chức vi phạm thì họ cũng bị chế tài tương ứng theo các quy định, không cần BQT phải điều chỉnh”.

Chưa kể việc buộc cán bộ công chức, viên chức phải công khai hình ảnh cá nhân trên MXH còn ảnh hưởng đến quyền của họ theo Bộ luật Dân sự. Bởi khi cộng đồng mạng sử dụng hình ảnh ấy nhắm mục đích xấu mà không được sự đồng ý của chủ tài khoản thì sẽ gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín (khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự). Trong khi điều luật này đã quy định rõ cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Nếu sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì còn phải trả thù lao.

LS Nguyễn Văn Hồng (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng thực tế việc nói xấu, bôi nhọ, gây tổn hại uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân và tổn hại về kinh tế của doanh nghiệp đã xảy ra trên MXH. Các văn bản như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Thương mại điện tử, Luật Quảng cáo, Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng và các hướng dẫn đã có đầy đủ các quy định và biện pháp chế tài.

Nhiều người vi phạm đã bị khiếu nại, tố cáo và khởi kiện và bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý bởi các quy định tương ứng. Do đó, việc Bộ TT&TT tính tới việc ban hành BQT ứng xử trên MXH với những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử là không cần thiết, tạo sự chồng chéo.

Không có ý nghĩa về xã hội

Về mặt xã hội, một nhà nghiên cứu cho rằng BQT ứng xử nói chung thường được xây dựng bởi một cơ quan hoặc một cộng đồng để bảo vệ chuẩn mực đạo đức hoặc nghề nghiệp. Nó là một thỏa thuận dân sự, được các thành viên tự nguyện tuân thủ để bảo vệ danh dự cũng như các chuẩn mực đạo đức do họ đặt ra. Nếu ai vi phạm có thể bị loại ra khỏi cộng đồng hoặc tổ chức hay tập thể đó.

Riêng việc tạo ra văn hóa giao tiếp trên MXH là cần thiết, nhưng nó nên là thỏa thuận giữa người sử dụng mạng với cơ quan cung cấp dịch vụ theo kiểu nếu đồng ý thì tham gia, không thì thôi.

Theo chuyên gia này, nhiều quy định khác đã được các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh thì không cần có thêm BQT ứng xử trên MXH cho mọi người nữa. Riêng với công chức, viên chức thì nên để cơ quan của họ tự ban hành BQT ứng xử trên MXH theo đặc thù công việc của họ.

Theo TS Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), khó có thể cấm việc dùng nickname ẩn danh trên MXH. Trong một số trường hợp nó còn có thể ảnh hưởng tự do cá nhân của mỗi người, tại sao các nghệ sĩ có thể dùng nghệ danh, nhà văn, nhà báo có thể dùng bút danh, mà tham gia MXH thì phải công khai danh tính?

Cũng theo TS Giang, chúng ta không thể đủ nguồn lực để hằng ngày kiểm soát hàng chục triệu cán bộ, viên chức xem họ lên mạng nói cái gì, nói như thế nào. Nếu có thể xây dựng được đội ngũ kiểm soát này thì cũng tạo ra sự tốn kém kinh tế rất lớn. Trên bình diện đại trà cũng không thể làm giảm thiểu sự lăng nhục, tính tiêu cực của nội dung đăng tải trên mạng bằng BQT này, do đó không cần thiết phải có.

“Theo tôi, để tạo ra môi trường mạng trong sạch, văn minh thì cần phải có sự phản kháng, tự vệ của xã hội. Cũng như muốn khước từ bạo lực, du côn, hướng tới những hành vi lịch sự, văn minh thì chúng ta phải giáo dục tư cách ấy ở nhà trường, gia đình chứ không hô hào khẩu hiệu…”.

Phải thượng tôn pháp luật

Theo dự thảo đề án thì BQT sẽ là những nguyên tắc xử sự trên MXH với nội dung là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử. Nhưng đã là quy tắc thì chỉ nên là những quy định mang tính nội bộ, điều chỉnh các đối tượng trong phạm vi hẹp chứ không mang tính toàn xã hội. Bởi vì nếu không cẩn thận thì những nguyên tắc này lại tạo ra những công cụ để cơ quan nào đó lạm dụng quyền lực khi thực hiện. Trong khi hiến pháp đã quy định chỉ tòa án mới có thẩm quyền phán xét rằng phát ngôn của người này trên MXH là vi phạm luật dân sự hoặc hành vi của người kia là vi phạm luật hình sự.

Chúng ta mong muốn và phải hướng đến một môi trường MXH trong sạch, nhưng việc xây dựng các quy định và biện pháp chế tài điều chỉnh thì phải bằng văn bản quy phạm pháp luật trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

TS ĐẶNG HOÀNG GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm