Mấy ngày nay, Bộ TT&TT đã tổ chức nhiều hội thảo về việc xây dựng bộ quy tắc (BQT) ứng xử trên mạng xã hội áp dụng cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam.
Có cần ra BQT chung?
Theo dự thảo đề án, các văn bản pháp luật hiện hành (theo liệt kê thì có nhiều nghị định, thông tư và các bộ luật Dân sự, Hình sự, các luật Cạnh tranh, Quảng cáo…) còn bất cập, chưa bao quát… để có thể điều chỉnh tốt các hành vi của những người sử dụng mạng xã hội.
Cùng với đó, Nghị quyết số 55/2017/QH14 của Quốc hội có yêu cầu “… xây dựng và triển khai BQT ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam…”.
Vì các lý do này mà Bộ TT&TT đang xây dựng BQT nhằm góp phần loại trừ những tin xấu, độc trên mạng xã hội.
Điều đáng nói là vào ngày 12-6-2018 Quốc hội đã thông qua một đạo luật quan trọng có sức tác động lớn đến các ứng xử, hoạt động trên mạng. Đó chính là Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019. Cùng với luật này còn có ba văn bản hướng dẫn thi hành khá quan trọng của Chính phủ do Bộ Công an soạn thảo.
Xét về mặt xã hội thì Luật An ninh mạng chính là BQT tối cao quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng cùng với trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Nhiều quy định cấm đoán trong Luật An ninh mạng cũng đã hàm chứa yếu tố nhân văn, đạo lý để việc sử dụng mạng xã hội không được gây hại cho đất nước, chính quyền, tổ chức, cá nhân khác.
Tính ra Nghị quyết số 55 được Quốc hội ban hành vào cuối năm 2017, tức trước khi có Luật An ninh mạng. Tuy chưa rõ nếu bấy giờ đã có Luật An ninh mạng thì Quốc hội còn yêu cầu xây dựng BQT hay không nhưng việc triển khai ở thời điểm này vẫn nên có sự xem xét kỹ lưỡng hơn cho thích hợp.
Bởi lẽ nếu có thêm BQT dẫu được ban hành theo hình thức văn bản dưới luật nào thì với dân là có thêm một luật nữa. Do đề án của Bộ TT&TT không đề cập đến luật An ninh mạng nên chưa rõ Bộ nhìn nhận sao về việc này? Liệu có là chồng chéo luật về việc sử dụng, hoạt động trên mạng xã hội khiến người dân khó thực hiện? Phải chăng cách tốt nhất ở thời điểm này là nỗ lực thực thi các luật An ninh mạng, An toàn thông tin mạng, Công nghệ thông tin… và nghiêm trị những trường hợp cố tình vi phạm bằng các chế tài pháp lý đang có rồi hãy tính tiếp?
Theo dự thảo đề án của Bộ TT&TT, những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải ban hành và công khai các biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng mạng xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG
Vì sao vừa “phải/không được” vừa “nên/không nên”?
Đặt trường hợp Bộ TT&TT và các cơ quan chức năng xét thấy cần thiết phải có ngay thì BQT cần được làm như thế nào cho đúng “chất”?
Theo Đại từ điển tiếng Việt của Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT (Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin năm 1998), quy tắc là những quy định mà mọi người phải tuân theo trong một hoạt động chung. Chính yếu tố “phải tuân theo” nên để khả thi thì phải có sự đôn đốc, theo dõi, giám sát, có thưởng người làm tốt, có chấn chỉnh, xử lý người vi phạm. Từ đó mà các BQT thường chỉ được ban hành trong phạm vi hẹp.
Sự tồn tại các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức các ngành do các bộ phụ trách lần lượt ban hành trong thời gian qua chính là đơn cử cho đặc tính nêu trên của BQT. Thông qua các BQT hiện hữu thiết lập nên những giá trị và hành vi đạo đức như mong đợi, những ngành này thể hiện được những tiêu chuẩn, cam kết của những người làm việc trong tổ chức với những người khác trong xã hội…
Như vậy, BQT mà Bộ TT&TT đang muốn xây dựng để áp dụng rộng rãi trên cả nước cũng buộc phải có những cân nhắc, tính toán về sự tuân thủ sao cho đạt hiệu quả.
Theo dự thảo đề án thì BQT sẽ là thể chế “mềm” với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử. Đi vào chi tiết thì BQT vừa có nội dung “phải hoặc không được”, vừa có “nên hoặc không nên”. “Phải hoặc không được” gồm có những quy tắc mang tính liên quan đến pháp lý khi cung cấp, sử dụng dịch vụ mạng xã hội và nếu vi phạm thì nhà cung cấp, người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. “Nên hoặc không nên” gồm có những quy tắc không có tính ràng buộc về pháp lý nhằm hướng dẫn, gợi ý khi cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội nên hoặc không nên thực hiện.
Liệu có ôm đồm không khi BQT phải đảm đương nhiều vai trò, nhất là thiết kế nên/không nên sẽ được hiểu là được tùy ý làm hoặc không làm, tức không phù hợp với tính chất “phải tuân theo” của một BQT? Nếu thiếu chọn lọc thì coi chừng tinh thần “ngắn, gọn, rõ” mà một thứ trưởng Bộ TT&TT đã đề ra cho BQT tại một hội thảo sẽ bất thành.
Ở Việt Nam đa phần dùng Facebook Hiện nay, các mạng xã hội Facebook, Youtube, FB Messenger, Zalo là bốn trang có số lượng người sử dụng đông đảo nhất tại Việt Nam. Hầu hết người sử dụng mạng xã hội của Việt Nam đều dùng Facebook (theo Báo cáo Digital in 2018 của We are social). Đến tháng 11-2018, số người sử dụng Facebook đã đạt 62 triệu người sử dụng tích cực mỗi tháng, có 42 triệu người dùng mỗi ngày (theo công bố của Facebook tại Hội thảo Sử dụng mạng xã hội trong đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp tại Quảng Ninh vào tháng 11-2018). Một số yêu cầu không có ở các luật Theo dự thảo đề án của Bộ TT&TT, những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải ban hành và công khai các biện pháp ngăn ngừa hiện tượng nghiện sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, những doanh nghiệp này còn phải ban hành và công khai các biện pháp ngăn ngừa trẻ em, người chưa thành niên tiếp cận các nội dung về bạo lực, nội dung dành cho người trưởng thành và các nội dung không phù hợp khác… Về phía cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân cùng cơ quan đang công tác… Luật An ninh mạng đã đầy đủ Giả sử sắp tới nhiều bộ, ngành khác cũng ra một bqt ứng xử trên mạng xã hội như Bộ TT&TT thì sao? Trong khi pháp luật chuyên ngành liên quan đều đã có những quy định cụ thể những điều được làm và những điều không được làm khi ứng xử trên mạng xã hội. Chưa kể người dùng mạng sẽ bị “bội thực” bởi quá nhiều quy định chồng chéo nhau. Một công chức, viên chức sau tám tiếng làm ở cơ quan, trở về nhà họ là công dân bình thường, hà cớ gì họ phải đọc 2-3 BQT dành cho những đối tượng khác nhau. Do đó nếu không cẩn thận sẽ dễ dẫn đến nhầm lẫn tư cách cá nhân và tư cách nghề nghiệp. Pháp luật đã quy định rất đầy đủ, đặc biệt là Luật An ninh mạng vừa mới ra đời có đủ ràng buộc về nhà cung cấp mạng, những điều kiện truy xuất thông tin người dùng… Luật sư TRẦN VĂN HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM Không thể bị chế tài kép! Quy định với nhóm công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước phải công khai bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác… là khó khả thi. Vì không ai có thể kiểm soát hoặc kiểm tra có đúng là tên thật của người chủ tài khoản Facebook hay không. Chưa kể còn trường hợp lập Facebook giả mạo hoặc tài khoản người dùng bị hack, kẻ xấu chiếm quyền kiểm soát, đăng tin không đúng sự thật hoặc tiết lộ thông tin cá nhân của chủ tài khoản. Việc kiểm tra hoặc xử lý những tài khoản giả mạo hoặc bị hack rất phức tạp và có thể dẫn đến xử lý sai chủ tài khoản mạng xã hội. Ngoài ra, các chế tài đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội đã có trong các quy định tương ứng về việc xử phạt hành chính, kiện dân sự yêu cầu xin lỗi, bồi thường, thậm chí xử lý hình sự nếu vu khống, xúc phạm nhau. Vì vậy nếu Bộ TT&TT ban hành bqt này sẽ đẩy người vi phạm đứng trước nguy cơ phải bị chế tài kép. Luật sư NGUYỄN SA LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM P.LOAN ghi |
Chỉ nên khuyến nghị?
Dù chưa có dự thảo chi tiết nhưng từ một số thông tin trong đề án thì có thể thấy người dùng và các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng sẽ phải thực hiện nhiều yêu cầu mới không có ở Luật An ninh mạng và nhiều luật khác.
Vậy tiếng là những chuẩn mực xử sự nhưng lại có nội dung ngoài luật thì có chấp nhận được không? Cách nào để buộc được người dùng và các nhà cung cấp dịch vụ trên mạng phải thực hiện các nội dung đó? Chính phủ sẽ ban hành các chế tài mới hay sao và liệu các cơ quan nhà nước có đủ sức chạy theo điều chỉnh hết thảy hành vi?
Mạng ảo nhưng thiệt hại là thật và lắm khi khôn lường. Thành thử, nếu hỏi “có cần BQT ứng xử trên không gian mạng không?” thì câu trả lời của đại đa số là “rất cần”. Vấn đề là hiện chúng ta đã có hẳn Luật An ninh mạng cùng với nhiều lực lượng chuyên trách để có thể xử lý được nhiều phát sinh. Do đó, BQT áp dụng chung cho mọi đối tượng (nếu có) cần tránh luật chồng luật hoặc được chăng hay chớ gây phản tác dụng.
Vì những lẽ trên, trước mắt Bộ TT&TT sẽ công bố một tập hợp những khuyến nghị những điều nên làm và không nên làm nhằm nôm na hóa các điều khoản của luật để số đông dễ nhận biết, dễ làm theo?
Nhiều bộ chỉ quy định “phải làm/không được làm” Hầu hết các quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các ngành như tư pháp, y tế, nội vụ, công an… đều được các bộ phụ trách quy định theo một kiểu duy nhất là những việc “phải làm/không được làm”. Đặc biệt là đối với ngành công an, quy tắc ứng xử của công an nhân dân do bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành vào tháng 8-2017 đã sớm điều chỉnh việc sử dụng mạng xã hội trong lực lượng. Cụ thể, Thông tư 27/2017 của bộ này yêu cầu: “Khi sử dụng các phương tiện điện tử khác, cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân không được truy cập, lưu trữ, phát tán, bình luận, chia sẻ các thông tin, tài liệu, bài viết, hình ảnh có nội dung trái với thuần phong mỹ tục; trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành công an; không giới thiệu, sử dụng tên, hình ảnh, phiên hiệu đơn vị công an lên các trang mạng xã hội”. Nhiều nước chỉ áp dụng cho một nhóm đối tượng Ở Nga, Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã ban hành “Các quy tắc ứng xử trên Internet của Bộ Quốc phòng Nga” vào năm 2017 để áp dụng cho tất cả binh sĩ trong quân đội của Liên bang Nga. Ở Canada, mới đây Văn phòng Ủy viên Liêm chính của TP Toronto đã đưa ra BQT ứng xử cho các thành viên hội đồng nhằm hướng dẫn việc sử dụng các mạng xã hội cho các nhân viên của văn phòng. Ở Bhutan, chính phủ Hoàng gia Bhutan đã ban hành chính sách truyền thông xã hội, trong đó quy định chi tiết về việc sử dụng mạng xã hội cho các tổ chức và cá nhân làm việc cho chính phủ. Bên cạnh đó, chính phủ Hoàng gia Bhutan cũng khuyến khích công dân thực hiện quy định này. Các hiệp hội, tổ chức dân sự ở vương quốc này cũng được khuyến khích ban hành riêng các BQT ứng xử trên mạng xã hội. |