Không chỉ là cuốn sổ hộ nghèo

Từ câu chuyện chị Nhân, không thể không suy nghĩ một thực tế. Đó là những gia đình ở nông thôn, có sức khỏe, có vườn ruộng đủ rộng, thuộc diện đủ ăn đủ mặc, có thể sống một cuộc sống bình yên, không quá lo toan. Nhưng nếu trong gia đình ấy chỉ có một người con đi học đại học thì đã phải thắt lưng buộc bụng khi chi tiêu. Và chỉ một sự cố như có người tai nạn, ốm đau thì hoàn cảnh sẽ trở nên khó khăn. Nhiều gia đình đang là hộ khá trở thành hộ nghèo chỉ sau một cơn đau ốm. Cuộc sống của nhiều người dân nông thôn đang ở trong tình trạng rất dễ mất ổn định.

Đó là điều mà những người có trách nhiệm lo cho an sinh xã hội phải tính đến. Bởi khi một gia đình bị nghèo đi, cuộc sống và tương lai của tất cả mọi thành viên trong gia đình đều bị ảnh hưởng. Nhìn rộng ra, xã hội sẽ khó có thể ổn định khi có nhiều gia đình gặp khó khăn và nghèo đi đột ngột như thế.

Nhiều bạn đọc đã hỏi: Vì sao chính quyền không trở thành sợi dây kết nối những tổ chức xã hội, những nhà từ thiện với những số phận như chị Nhân? Để một gia đình rơi vào thảm cảnh, không thể nói cán bộ chính quyền và các đoàn thể xã hội ấp 5 và xã An Xuyên đã làm hết phận sự của mình. Họ thật sự đã nghĩ hết cách hỗ trợ chị Nhân và những người nghèo khác trong xã, ấp hay chưa? Tiếng kêu cứu của người mẹ nghèo ấy đã trở nên vô vọng trước khi chị tìm đến cái chết.

Không một chính sách nào, một chính thể nào có thể lo toan cho hết mọi trường hợp cá biệt, mọi số phận cùng khổ. Nhưng xã hội luôn có những nguồn lực, có những người có khả năng và sẵn lòng chia sẻ. Chỉ khi cán bộ thật sự gần dân, nghĩ về dân, lo cho dân, khi trách nhiệm của cán bộ chính quyền lớn hơn những nghĩa vụ và các nguyên tắc thì chính quyền mới thực sự trở thành sợi dây nối người cần trợ giúp với các nguồn lực ấy.

Phải làm sao để những nguồn lực ấy ngày càng lớn mạnh, làm sao để sự phản hồi giúp đỡ ngày càng đến được với người nghèo. Đó là điều chính quyền phải nghĩ.

ĐỨC HIỂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới