Thực chất thì khi ông Dũng là thành viên của đội bóng Ngân hàng Đông Á trong những năm 2000 thì ông đã hiểu công tác trọng tài ở bóng đá Việt Nam phức tạp như thế nào.
Sự quyết liệt của ông Dũng bây giờ liệu có mạnh bằng bầu Kiên hồi mới thành lập VPF đã kiên quyết làm đến nơi đến chốn việc chấn chỉnh trọng tài?
Cá nhân tôi cho là không bằng, vì bây giờ ông Dũng mới chỉ vào đội ngũ trọng tài, vào các giám sát làm thiếu trách nhiệm. Trong khi hồi bầu Kiên thì ông này còn chỉ cả lãnh đạo các đội bóng với lời dằn mặt “Anh này, anh này… chấm dứt đi, đừng cho tiền trọng tài nữa!” mà không ai dám cãi. Chính những thành viên trong tiểu ban an ninh hồi đấy chia sẻ rằng bầu Kiên dám làm và làm mạnh là bởi ông có bằng chứng trong tay.
Nhắc lại chuyện của bầu Kiên hồi đó để thấy rằng cuộc chống tiêu cực bắt đầu từ công tác trọng tài nó không hề đơn giản bởi trọng tài không phải là mọi nguyên nhân gây tội lỗi như nhiều người đang nghĩ.
Trong nhiều đội bóng khi thi đấu giải vẫn có khoản “ngoại giao” và không ít phần “ngoại giao” đấy là “bôi trơn” và tất nhiên để trơn hết thì không chỉ cái còi. Nó cũng là câu chuyện mà hồi đó ông Nguyễn Thành Vinh trong lần mừng Ngân hàng Đông Á lên chuyên nghiệp đã dùng hết tiền thưởng (hàng chục triệu) của mình mà bồi dưỡng trọng tài, để mùa sau đội có đá chuyên nghiệp thì các anh ấy nhẹ tay (lời khai với cơ quan điều tra).
Vì thế mà chuyện “bụp” trọng tài thôi mới chỉ là phần ngọn trong chuỗi sai lệch thể hiện trực tiếp trên sân qua tiếng còi.
Bóng đá là một phần của xã hội và việc tuýt còi rõ ràng không chỉ là người được trao quyền, trao cái còi và người bị phạt. Nó còn liên quan đến ông giám sát, đến người phân công giám sát rồi đến các bộ phận khác nữa…
Vì thế nên rất mong chuyện siết trọng tài không chỉ là siết tiếng còi mà còn siết cả những nơi, những chỗ cấp quyền và cấp hành.
May là chuyện trọng tài và nguyên nhân của nó những ông như ông Lê Hùng Dũng, ông Đoàn Nguyên Đức hiểu hơn ai hết cội nguồn và sẽ không đập rắn từ đuôi.
NGUYỄN NGUYÊN