Hai ngày gần đây, người dân ở các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM đã ra đường trở lại, mật độ dày hơn rất nhiều dù thời gian giãn cách xã hội vẫn còn.
Có lẽ việc Việt Nam ghi nhận số ca nhiễm ít hơn chính là nguyên nhân khiến người dân bắt đầu có tư tưởng chủ quan với dịch bệnh.
Nguy cơ lây lan trong cộng đồng rất cao
Trên thực tế, số ca nhiễm giảm lại tỉ lệ nghịch với mức độ phức tạp của từng ca bệnh.
Những ngày giữa tháng 3 mỗi ngày có 7-8, thậm chí 15 ca nhiễm, đa phần là ca nhiễm từ nước ngoài về, được cách ly, khoanh vùng F0 ngay từ sân bay, cửa khẩu. Còn những ngày gần đây, mỗi ngày có một hoặc hai ca nhiễm nhưng lại là những ca nhiễm trong cộng đồng, chưa xác định được F0 và mức độ F1, F2 rất lớn.
Cụ thể, trong 255 bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Việt Nam, một số ca mới ghi nhận gần đây bắt đầu cho thấy sự phức tạp khi cơ quan y tế chưa thể xác định ngay được nguồn lây nhiễm. Điển hình như bệnh nhân số 243 (ca bệnh có dịch tễ phức tạp nhất Hà Nội), bệnh nhân số 247 (ca bệnh tại Đồng Nai) hoặc bệnh nhân số 251, Hà Nam đến hiện tại có 600 F1, F2 và không xác định được F0 của bệnh nhân này từ đâu.
Cố vấn cao cấp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, PGS-TS Trần Đắc Phu, cho rằng đang có tình trạng người dân trở nên chủ quan, nới lỏng việc cách ly xã hội, như vậy sẽ khiến virus lây lan, dịch bùng lên lúc nào không biết.
Người dân nên hiểu rằng dịch đang âm thầm và hoàn toàn có thể bùng lên. Điển hình là bài học từ Hàn Quốc và một số nước trên thế giới.
Vì vậy người dân cần ý thức rằng không có ca nhiễm thì nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng vẫn còn nhiều, điều cần thiết là phải giãn cách xã hội. Bản chất của việc giãn cách xã hội là để người bệnh và người lành không tiếp xúc với nhau để mầm bệnh không còn khả năng lan truyền, từ đó chúng ta sẽ giải quyết được việc dập dịch.
“Giãn cách xã hội là biện pháp quan trọng trong phòng ngừa dịch bệnh lây lan rộng ra cộng đồng và phải được thực hiện nghiêm túc, triệt để ở tất cả các nơi” - ông Phu nói.
Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) đã đông đúc xe cộ hơn những ngày đầu cách ly xã hội. Ảnh: HOÀNG GIANG
2 bệnh nhân xuất viện, 5 bệnh nhân thở máy
Sáng 9-4, thông tin từ Tiểu ban điều trị - Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết đã có thêm hai bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ được công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân thứ nhất là BN203: Bệnh nhân nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam. Trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 5-4; âm tính lần 2 vào ngày 6-4. Hiện tại sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của TP.HCM chiều 9-4, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho hay TP vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Hiện TP có 54 ca nhiễm, đã điều trị khỏi 37 ca, còn 17 ca đang điều trị. Đặc biệt đã có sáu ngày liên tục TP không có ca nhiễm mới. Đối với các khu vực cách ly tập trung, TP không để phát sinh ca nhiễm nào trong khu cách ly. Dự kiến đến ngày 14-4 có thể hoàn tất đưa những người hoàn thành cách ly còn lại ra khỏi các trung tâm khoảng 600 người. |
Trường hợp còn lại là BN234: Bệnh nhân nữ, 69 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trong quá trình điều trị tại bệnh viện, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 vào ngày 5-4; âm tính lần 2 vào ngày 6-4, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.
Hai trường hợp trên sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện có năm bệnh nhân phải thở máy, trong đó có hai bệnh nhân nặng đang được tận tình theo dõi. Đó là bác gái của bệnh nhân thứ 17, bắt đầu chuyển nặng lại vào đêm 7-4. Các chuyên gia hồi sức tích cực, cấp cứu, hô hấp... đã hội chẩn điều trị cho bệnh nhân, tình trạng sau đó tạm ổn. Đến sáng 9-4, bệnh nhân vẫn duy trì thở máy. Các bác sĩ đang xem xét khả năng tái can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ôxy ngoài cơ thể).
Bệnh nhân vốn diễn biến suy hô hấp nặng, được can thiệp ECMO từ ngày 19-3 tới ngày 4-4, sau đó sức khỏe tốt hơn nên chuyển sang thở máy. Bà có bệnh lý nền rối loạn tiền đình.
Ngoài ra, BN91 là phi công người Anh, phải lọc máu, chạy ECMO, điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Hiện tại bệnh nhân không sốt, mạch, huyết áp ổn định, vẫn đang được hỗ trợ thở máy.
Thêm 4 ca mắc mới, 2 ca liên quan BN243 Bệnh nhân 252 (BN252): Nam, sáu tuổi, có địa chỉ tại phường 12, quận 5, TP.HCM. Bệnh nhân cùng mẹ sang Campuchia thăm người thân. Trong gia đình có hai người đã được xác định mắc COVID-19 và đang được cách ly, điều trị tại Campuchia. Ngày 8-4, bệnh nhân cùng mẹ và một người còn lại trong gia đình trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh, ba người được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP.HCM xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Hai người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính. Hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại BV đa khoa tỉnh Tây Ninh. Bệnh nhân 253 (BN253): Nữ, 41 tuổi, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là chị dâu, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN243. Bệnh nhân 254 (BN254): Nam, 51 tuổi, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là hàng xóm có tiếp xúc gần BN243, BN250. Bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại BV Thận Hà Nội, hiện được cách ly, điều trị tại đây. Bệnh nhân 255 (BN255): Nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Bắc Quang, Hà Giang. Ngày 27-3, bệnh nhân từ Nga về sân bay quốc tế Nội Bài trên chuyến bay SU290. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. |