Không có chuyện lương giáo viên sẽ giảm

Nhiều giáo viên (GV) đang rất lo lắng trước thông tin về việc từ ngày 1-7-2020 cho đến khi lương GV được trả theo vị trí việc làm từ tháng 1-2021, trong khoảng thời gian này lương của họ có thể sẽ giảm vì không có bảng lương riêng cho nhà giáo và cũng chưa thể trả lương theo vị trí việc làm.

GV lo lắng lương sẽ giảm

Vào ngày 12-11 vừa qua, Quốc hội đã đồng ý thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng. Đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng từ ngày 1-7-2020. Như vậy, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức đã được thông qua, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1-7-2020 sẽ tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, hiện có một số thông tin cho rằng vào thời điểm việc tăng lương cơ sở có hiệu lực, tháng 7-2020 cũng chính là lúc Luật Giáo dục mới chính thức có hiệu lực. Luật Giáo dục mới trong đó có điều khoản quan trọng là tiền lương của GV sẽ không còn phụ cấp thâm niên và một số khoản phụ cấp, trợ cấp khác cũng không còn. Không có bảng lương riêng cho nhà giáo, chưa thể trả lương theo vị trí việc làm từ ngày 1-7-2020 nên khi đó lương GV có thể sẽ giảm.

Cô Lê Thị Hồng Huê, GV Tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Vật Lại (huyện Ba Vì, Hà Nội), băn khoăn: “Có một số thông tin trên mạng rằng năm 2020 Nhà nước sẽ cắt bỏ một số phụ cấp lương dành cho GV, trong đó có phụ cấp thâm niên. Về cơ bản, lương GV chúng tôi đã thấp rồi, không được dạy thêm, vậy nếu cắt bỏ phụ cấp thâm niên thì tiền lương sẽ rất thấp, ảnh hưởng đến cuộc sống của GV, GV không thể yên tâm công tác, cống hiến cho nghề”.

Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, cơ bản đảm bảo đời sống nhà giáo và gia đình. Ảnh: TV

Lo lắng lương GV giảm không có căn cứ

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về chính sách tiền lương của GV, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), khẳng định việc lo lắng về lương có thể giảm của GV là không có căn cứ. Lý do là bởi hiện nay chính sách về lương của GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đang được thực hiện theo Nghị định số 204 ngày 14-12-2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Cùng với đó, chính sách này còn căn cứ vào các văn bản sửa đổi, bổ sung như Nghị định số 14/2012, Nghị định số 17/201, Nghị định số 117/2016.

Theo đó, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có GV đều tăng hằng năm, chẳng hạn như mức lương cơ sở năm 2016 là 1.210.000 đồng/tháng, đến năm 2019 tăng lên mức 1.490.000 đồng/tháng. Mức lương cơ sở năm 2020 tiếp tục được tăng lên cho đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới vào năm 2021.

Trả lương đúng góp phần đổi mới toàn diện giáo dục

Trả lương đúng là đầu tư cho phát triển đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, tạo động lực cho nhà giáo yên tâm cống hiến, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Trả lương đúng góp phần quan trọng thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng như đổi mới giáo dục phổ thông.

Ông HOÀNG ĐỨC MINHCục trưởng Cục Nhà giáo và
cán bộ quản lý giáo dục
 

Ngoài ra, các nhà giáo công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn tiếp tục được hưởng các chính sách theo quy định tại Nghị định số 76/2019 ngày 8-10-2019 và các chính sách khác theo quy định hiện hành của pháp luật.

“Trong thời gian từ tháng 7-2020 đến khi áp dụng chính sách tiền lương mới vào năm 2021, lương của GV, kể cả với GV ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn vẫn thực hiện theo các quy định của Chính phủ như đã nêu ở trên, trong đó có cả lộ trình tăng mức lương cơ sở” - ông Minh cho biết.

Chia sẻ thêm về chính sách tiền lương mới được thực hiện từ ngày 1-1-2021, ông Hoàng Đức Minh còn cho hay chính sách tiền lương mới được áp dụng từ năm 2021 đối với ngành giáo dục đảm bảo theo vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, tính chất, mức độ phức tạp, đặc thù công việc của nhà giáo. Lương mới được thực hiện từ năm 2021 không thấp hơn mức lương năm 2020, được tính theo lộ trình tăng lương cơ sở và được thực hiện theo các quy định của Chính phủ.

Chế độ tiền lương đối với công chức, viên chức ngành giáo dục được áp dụng từ năm 2021 là một chính sách đặc biệt quan trọng. Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính, cơ bản đảm bảo đời sống nhà giáo và gia đình.

Chính sách tiền lương mới năm 2021 cho giáo viên có gì đặc biệt?

Hiện Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã tham mưu lãnh đạo Bộ GD&ĐT xây dựng đề án “Xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề đối với công chức, viên chức ngành giáo dục”. Đề án đó của Cục đã được Bộ GD&ĐT chuyển sang Bộ Nội vụ.

Trong đề án mới này, lương của đối tượng GV mới vào nghề được quan tâm để thu hút, khuyến khích các GV trẻ, có năng lực tham gia công tác ngành giáo dục. Trước kia lương của GV được tính theo thâm niên, thâm niên càng cao thì lương càng cao, GV mới vào nghề lương đã thấp, thâm niên cũng thấp nên tổng lương thấp. Đề án lương mới này chúng tôi quan tâm đến đội ngũ GV trẻ. Như vậy, khoảng cách giữa lương của GV trẻ và GV lâu năm trong ngành sẽ được rút ngắn hơn.

Ông PHẠM TUẤN ANH, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo
và cán bộ quản lý giáo dục
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm