Đây là những ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại buổi hội thảo góp ý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Hội thảo được tổ chức tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM vào sáng 12-12 do PGS-TS Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, chủ trì.
Ông Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành, tỉnh Đồng Nai góp ý tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Trần Ngọc Long, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai, cho biết việc tăng lương nhà giáo là niềm mong mỏi từ lâu. Tăng lương sẽ đem đến niềm vui và tạo động lực để thầy cô sáng tạo trong việc dạy học.
Ông Phan Sỹ Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Đắk Nông, cho biết lương tăng giáo viên vui một, các cán bộ quản lý mừng 10. Khi đời sống giáo viên nâng cao, họ sẽ tập trung vào công tác chuyên môn, họ sẽ dạy tốt hơn, điều đó đồng nghĩa với những tiêu cực ngoài lề sẽ hạn chế.. “Nhưng điều khiến tôi thắc mắc lương sẽ tăng như thế nào, có đủ sống không, có xảy ra tình trạng lương chưa tới mà vật giá đã tăng theo” - ông Quang nói.
Ông Phan Sỹ Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An, tỉnh Đắk Nông chia sẻ băn khoăn về việc tăng lương giáo viên. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
GS-TS Mai Hồng Quỳ, thành viên ban soạn thảo dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, cho biết còn nhiều hạn chế trong tiền lương của nhà giáo hiện nay. Phần lớn giáo viên tiểu học đến THPT đều thuộc nhóm viên chức A0 và A1 nên có 9-10 bậc lương trong mỗi ngạch. Và cơ hội để nhà giáo chuyển sang ngạch cao khó hơn nhiều so với các viên chức ở các lĩnh vực khác.
Bà Quỳ nói ở bậc mầm non, tiểu học, một giáo viên sẽ "đi" từ bậc lương thấp nhất đến cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm với số tiền tăng lên chỉ 2,8 triệu đồng. Trong khi đó, đối với giáo viên bậc THPT thời gian kéo dài 27 năm.
Theo bà Quỳ, giải pháp để thực hiện tăng lương bao gồm: Thứ nhất, sắp tới các trường ĐH công lập sẽ phải chuyển sang tự chủ tài chính, tức là họ không hưởng lương từ ngân sách. Khoản tiền này sẽ dư ra và phục vụ cho quá trình tăng lương giáo viên các bậc mầm non, phổ thông. Thứ hai, giảm số lượng giáo viên biên chế nếu hạn chế được thực trạng chương trình giáo dục quá nhiều, thời gian học dài, chương trình lạc hậu.
Bên cạnh đó, việc miễn giảm học phí THCS công lập cũng được nhiều người quan tâm. Ông Long cho biết,miễn giảm học phí bậc THCS công lập sẽ là niềm vui cho nhiều người. Nhưng cần cần nhắc khi thực hiện vì vô hình trung nó sẽ gây áp lực tuyển sinh lên các trường tư thục. Bên cạnh đó, khi dự thảo này đi vào thực hiện, một số đơn vị sẽ bị hụt ngân sách. Vì hiện nay nhiều trường đang dựa nguồn kinh phí này mua sắm cơ sở vật chất cho hoạt động dạy học.
Tại hội thảo nhiều vấn đề như nâng chuẩn giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, xã hội hóa giáo dục cũng được nhiều đại biểu đưa ra bàn luận...