Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho rằng, nếu Mỹ-NATO không tăng cường lực lượng quân sự tại các quốc gia Baltic, liên minh an ninh sẽ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Phát biểu trước báo giới sau buổi điều trần về những thách thức an ninh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ nhận định: “Nếu quân đội Nga di chuyển vào vùng Baltic ... và không có lực lượng đảm nhiệm vai trò ‘lá chắn’ tại nơi này, tôi nghi ngờ, đây có thể sẽ là ‘ngày tận thế’ đối với NATO.”
Thượng nghị sĩ John McCain lo ngại viễn cảnh liên minh NATO sụp đổ. (Ảnh minh họa)
McCain giải thích, “lá chắn” mà ông đề cấp đến chính là địa điểm đóng quân của quân đội Mỹ và NATO tại những nước có chung đường biên giới với Nga. “Lá chắn” này sẽ giúp ngăn chặn cuộc “xâm lược” của Nga, kịch bản mà một số lãnh đạo Hoa Kỳ và NATO lo ngại trước đó.
Thượng nghĩ sĩ cho rằng, Mỹ và NATO cần xem xét việc xây dựng một “lá chắn” như vậy với lực lượng vũ trang đông đảo hơn nhiều so với kế hoạch hành động của NATO trong năm 2014 thực hiện tại Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan.
Đồng quan điểm với cựu ứng viên Tổng thống Mỹ, Cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Jimmy Carter, Zbigniew Brzezinski cũng nhận định, nếu để quân đội Nga mặc sức tung hoành, viễn cảnh về sự sụp đổ của liên minh NATO sẽ trở thành hiện thực. Do đó, Brzezinski đề xuất việc tạo ra một ‘lá chắn’ tại Estonia hoặc Latvia nhằm cảnh báo Nga về sự hiện diện của NATO và đặc biệt là vị thế của Hoa Kỳ tại vùng Baltic."
Trong khi đó, Cựu cố vấn an ninh quốc gia của chính quyền Ronald Reagan, Brent Scowcroft lại tỏ ra không đồng tình với suy nghĩ “bi quan” trên khi lên tiếng bác bỏ khả năng Nga xâm nhập vào các quốc gia lân cận NATO.
Từ khi tình trạng bất ổn xảy ra tại Ukraine cho đến nay, Hoa Kỳ và NATO liên tục cáo buộc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Ukraine. Không ít lần, Mỹ và đồng minh đã lớn tiếng khẳng định sự hiện diện của quân đội Nga tại miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, Moscow vẫn một mực phủ nhận những cáo buộc “vô căn cứ” này.
Kể từ tháng Ba năm 2014, liên minh NATO đã lên kế hoạch sẵn sàng hành động nhằm ngăn chặn âm mưu “xâm lược" của Nga. Kế hoạch này bao gồm việc xoay tua quân đội dọc theo biên giới phía tây của Nga, tăng cường tập trận quân sự chung, đồng thời bổ sung vũ khí cho các quốc gia đối tác trong liên minh.
Theo điều lệ của NATO, liên minh gồm 26 thành viên phải cam kết tuân thủ học thuyết “phòng thủ tập thể”. Học thuyết này quy định rằng chỉ cần một hoặc nhiều quốc gia đồng minh bị tấn công, sẽ được coi là hành động gây hấn với tất cả các nước còn lại trong liên minh.