Chiều nay 15-11, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các ĐB HĐND TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Hoàn Kiếm trước thềm kỳ họp thứ 11 HĐND TP Hà Nội khóa XV. Kỳ họp dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận Hoàn Kiếm đã đề nghị chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ vấn đề quản lý nguồn nước sạch của TP. Cử tri Trần Ngọc Toán (phường Tràng Tiền) cho rằng chủ trương kêu gọi xã hội hóa nước sạch của Hà Nội là cần thiết để đáp ứng nhu cầu của người dân tại một đô thị lớn, phát triển nhanh như Hà Nội.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cử tri thất vọng với chất lượng nước sạch do hai nhà máy nước lớn cung ứng cho hàng triệu người dân Hà Nội là Nhà máy nước sạch sông Đà và Nhà máy nước sạch sông Đuống. Trong đó, nước sạch sông Đà thì bị ô nhiễm dầu, còn nước sạch sông Đuống thì giá cả đắt đỏ.
Ông Toán nói: “Điều khiến cử tri thất vọng là Nhà máy nước sạch sông Đà từ khi đưa vào sử dụng đã nhiều lần vỡ đường ống, nay lại nhiễm bẩn. Còn nước mặt sông Đuống có giá cao, làm khó người dân dùng nước của nhà máy”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Cử tri Toán đề nghị chủ tịch UBND TP Hà Nội làm rõ công tác quản lý nước sạch trên địa bàn TP và đặc biệt là hai nhà máy này, trong đó làm rõ câu chuyện có “lợi ích nhóm” như dư luận phản ánh ở Nhà máy nước sông Đuống hay không; ai chịu trách nhiệm khi có sự cố nước sạch nhiễm bẩn ở Nhà máy nước sông Đà.
Giải đáp cho cử tri, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay đối với vụ việc nước sạch sông Đà qua điều tra của Công an Hòa Bình không phát hiện chuyện thuê mướn các đối tượng đổ dầu thải xuống suối để gây ô nhiễm nước.
Liên quan đến Nnhà máy nước sạch sông Đuống, chủ tịch Hà Nội cho hay nhà máy này có bốn nhà đầu tư gồm một quỹ đầu tư của Oman, Aqua One, 10% của Nhà máy nước sạch số 2 và 5% còn lại của một đơn vị khác.
“Tập đoàn Aqua One do bà Đỗ Thị Kim Liên làm chủ tịch HĐQT (kiêm chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống). Đây là công ty từng làm nhà máy lớn nhất miền Nam tại Long An. TP cũng chọn những nhà đầu tư có năng lực. Vấn đề là như vậy chứ không có lợi ích nhóm của ai ở đây cả” - Chủ tịch Hà Nội nói.
Cũng theo ông Chung, vừa qua một trong bốn cổ đông đầu tư xây dựng nhà máy đã bán cổ phần cho một doanh nghiệp của Thái Lan. “Quỹ đầu tư Oman đã bán lại cổ phần cho nhà đầu tư Thái Lan mấy tháng trước” - ông Chung thông tin và cho biết việc mua bán giữa các quỹ đầu tư là bình thường và “không có vấn đề gì”.