Ai cũng thấy hoàn cảnh của vợ chồng ông Tạ Văn Đùa rất đáng thương. Cả đời đi bán vé số dạo, chỉ vì nợ 33 triệu đồng mà bị thi hành án mất nhà, rồi còn bị vướng vào lao lý. Đúng là “họa vô đơn chí”!
Sự nóng vội của cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS huyện đã đem lại hệ quả là TAND huyện không thể kết án vợ chồng ông Đùa về tội không chấp hành án, phải trả hồ sơ để CQĐT và VKS huyện “làm lại”! Rồi sau đó CQĐT và VKS huyện quay sang khởi tố vợ chồng ông Đùa về tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 BLHS).
Đúng là vợ chồng ông Đùa có hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Nhưng hành vi này không thỏa mãn các dấu hiệu quy định tại Điều 142 BLHS và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - TAND Tối cao - VKSND Tối cao nên không cấu thành tội phạm.
Cụ thể, dấu hiệu của cấu thành tội phạm này là tài sản bị sử dụng trái phép phải có giá trị “từ 50 triệu đồng trở lên” và người vi phạm phải “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Có lẽ do điều luật quy định thiếu từ “và” như một số điều luật khác trong BLHS nên không ít người lầm tưởng cứ sử dụng trái phép tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên là phạm tội chắc rồi. Nhưng hiểu cho đúng thì dấu hiệu đó phải kết hợp với một trong các dấu hiệu khác là “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “đã bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” mới thỏa mãn cấu thành tội phạm.
Ở đây, vợ chồng ông Đùa ở nhờ trong căn nhà cấp 4 bỏ trống có giá trị hơn 59 triệu đồng thì liệu gây ra thiệt hại bao nhiêu? Đã “gây hậu quả nghiêm trọng” (gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng) như Thông tư 02/2001 hướng dẫn chưa? Thiệt hại làm sao tới 50 triệu đồng, lấy đâu ra dấu hiệu phạm tội? Như vậy, có thể thấy rõ hành vi của vợ chồng ông Đùa không thể cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản của người khác được.
Quá khổ vì phải ở trong túp lều rách nát này, vợ chồng ông Đùa bấm bụng đưa các con vào căn nhà trống của người khác ở tạm rồi bị tội. Ảnh: T.TÙNG
Vậy trường hợp phá khóa vào nhà người khác của vợ chồng ông Đùa có dấu hiệu của tội gì? Tôi thấy xử tội gì cũng bất ổn và có thể gây tranh cãi.
Cụ thể, về tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS), cần phải xem “chỗ ở” được định nghĩa như thế nào? Theo tôi, hành vi xâm phạm chỗ “thường xuyên sinh sống” hoặc nơi “cư trú” của công dân mới phạm tội này. Còn nếu phá khóa vào ở một căn nhà bỏ trống, không có người ở thì tùy trường hợp cụ thể, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở (Điều 270 BLHS). Tuy nhiên, hành vi của vợ chồng ông Đùa không cấu thành tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở vì tội này đòi hỏi người vi phạm phải “đã bị xử phạt hành chính” hoặc “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích” thì mới cấu thành tội phạm.
Hành vi của vợ chồng ông Đùa có thể có dấu hiệu của tội chiếm giữ trái phép tài sản (Điều 141 BLHS). Tuy nhiên, hành vi này chỉ cấu thành tội phạm khi chủ nhà đã yêu cầu vợ chồng ông Đùa trả lại nhà mà vợ chồng ông Đùa vẫn cố tình không trả. Ở đây, các tình tiết của vụ việc cho thấy họ không hề có ý định chiếm nhà mà chỉ muốn ở nhờ trong lúc chờ tích cóp tiền bán vé số dựng căn nhà khác.
Tội này không được, tội khác không xong, hà cớ gì cứ phải xử lý hình sự vợ chồng ông Đùa cho bằng được? Nếu họ chỉ có ý định ở nhờ nhà bỏ trống, hiện tại đã dọn ra ngoài, không còn ở trong căn nhà đó nữa thì chỉ đáng xử phạt hành chính. Liệu có cần đẩy họ đến bước đường cùng, khi họ phải đi bán vé số kiếm sống và đang không có chỗ ở vì bị mất nhà?
Vi phạm chưa đến mức khởi tố Việc vợ chồng ông Đùa tự ý vào nhà người khác ở là vi phạm pháp luật nhưng chưa nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự. Xuất phát từ hoàn cảnh sống quá khổ và trình độ hiểu biết hạn chế nên họ phá khóa vào căn nhà bỏ trống ở tạm qua ngày. Khi bị khởi tố, họ đã dọn ngay ra khỏi nhà, không có hành vi chống đối, thách thức cũng như có lời lẽ xúc phạm, cự cãi với cơ quan chức năng và chủ nhà. Lẽ ra ngay từ đầu cơ quan công an chỉ cần gọi vợ chồng ông Đùa lên làm việc, yêu cầu trả lại nhà cho chủ nhà thì tốt biết mấy. Tôi tin họ sẽ dọn đi ngay. Các cơ quan tố tụng không nên đẩy người nghèo khổ tới đường cùng mà hãy khoan hồng cho những ai đáng được khoan hồng. Tôi cũng rất mong chủ nhà rút đơn yêu cầu khởi tố bởi đó là việc làm cần thiết và nhân văn. Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN, Trưởng Văn phòng luật sư Nên đình chỉ điều tra Chính vì rất đau lòng trước hoàn cảnh tội nghiệp của vợ chồng ông Đùa mà tôi đã bào chữa miễn phí cho họ. Theo tôi, việc CQĐT thay đổi tội danh khởi tố đối với vợ chồng ông Đùa về tội sử dụng trái phép tài sản là rất khiên cưỡng bởi hành vi của họ chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội phạm. Ở đây, vợ chồng ông Đùa chưa “gây hậu quả nghiêm trọng”, chưa từng “bị xử phạt hành chính về hành vi này” hoặc “bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” nên không thể xử lý hình sự họ về tội này được. Tôi nghĩ CQĐT nên đình chỉ điều tra và chỉ nên xem xét xử phạt hành chính đối với vợ chồng ông Đùa. Bởi lẽ mục đích chủ yếu của pháp luật hình sự vẫn là phòng ngừa, răn đe, giáo dục người vi phạm pháp luật chứ không phải chỉ tìm cách trừng trị bằng mọi giá. Luật sư NGUYỄN THẾ TÂN, Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh |
"Xin hãy khoan hồng cho chúng tôi" Người nhỏ thó, quần áo nhàu nhĩ, ông Tạ Văn Đùa buồn rầu nói như khóc: “Khổ thân vợ chồng tui chú ạ, chỉ vì cực quá mà sinh nông nổi. Thiệt tình chúng tôi chỉ muốn vào ở đậu, khi nào người ta đòi thì mình ra chứ không khi nào nghĩ lại bị bắt tội. Bữa rồi công an lại gọi lên lấy lời khai điều tra tội mới, không biết khi nào mới thoát khỏi cảnh này”. Vợ ông - bà Lê Thị Hạnh nước mắt lưng tròng, ôm vai chồng không nói thành lời. Sau hơn hai tháng bị bắt tạm giam, sức khỏe của bà giờ yếu hẳn, không còn sức để đi hàng chục cây số mỗi ngày bán vé số như trước nữa. Ngày bị khởi tố, hai vợ chồng sợ quá, vội dọn ra khỏi căn nhà ấy, giờ mỗi lần đi qua còn không dám nhìn vào. Giờ thì căn lều tạm của họ cũng đã te tua nên họ phải đến tá túc ở nhà một người chị bên vợ. Gần một năm qua, hai vợ chồng ai cũng hốc hác vì lo lắng. Ông Đùa kể, hồi xưa lúc sức khỏe tốt thì ông đi làm lò gạch mướn vì công cao hơn. Nhưng 10 năm nay, ông bị gai cột sống nên vợ chồng mới chuyển qua bán vé số dạo. Buổi sáng, họ lấy 150 tờ vé số rồi chia đôi vé số ra đi bán. Mỗi người một ngày kiếm được khoảng 50.000 đồng. Thời gian nào đuối quá không đi bán nổi thì vợ chồng chở nhau đi hái ớt thuê, mỗi ký được trả công 3.000 đồng. Bà Hạnh kể: “Hái ớt thuê ít vất vả hơn nhưng tính ra mỗi ngày một người chỉ nhận được tiền công 35.000 đồng thôi chú ạ”. Biết chúng tôi về tìm hiểu, 5 giờ sáng họ đã lục đục rời nhà đi gần chục cây số lên TP Tây Ninh chờ sẵn ở bến xe để dẫn đường cho chúng tôi đến “hiện trường vụ án”. Đó là một ngôi nhà cấp bốn còn nguyên gạch thô xây từ năm 2006 với chi phí khoảng 50 triệu đồng. Theo ông Đùa, lúc cơ quan thi hành án bán đấu giá cả nhà, đất mới được 59 triệu đồng, ông bà tiếc đứt ruột mà không dám kêu. “Nếu biết làm vậy sẽ bị tù tội thì không bao giờ tụi tui dám làm. Tuy không biết mặt chủ nhà nhưng từ đáy lòng, tui rất mong muốn chủ nhà thông cảm và tha thứ cho. Mong cơ quan pháp luật khoan hồng cho tụi tui thoát khỏi tù tội” - ông Đùa rưng rưng. THANH TÙNG |