Những vụ án có dấu hiệu oan - Bài 3: Bi kịch của đôi vợ chồng bán vé số

Vợ chồng ông Tạ Văn Đùa mưu sinh bằng nghề bán vé số, có với nhau hai người con nhưng đều không biết chữ. Tài sản giá trị nhất của ông bà là một ngôi nhà cấp bốn và một mảnh vườn ở ấp Long Chẩn, xã Long Vĩnh (Châu Thành, Tây Ninh).

Án đã thi hành xong

Trong một lần cần tiền, ông bà đã viết giấy tay bán căn nhà đang ở cho người khác với giá 21 triệu đồng. Người mua nhà đặt cọc 10 triệu đồng. Sau đó chờ mãi không thấy người mua đến giao nốt tiền và nhận nhà nên đầu năm 2006, vợ chồng ông Đùa đã kiện người mua nhà yêu cầu hủy hợp đồng mua bán, trả nhà cho mình.

Xử sơ thẩm, TAND huyện Châu Thành đã tuyên hủy hợp đồng mua bán giấy tay giữa hai bên, buộc vợ chồng ông Đùa phải trả lại cho người mua nhà số tiền đã nhận cọc cộng với lãi, tổng cộng hơn 15 triệu đồng.

Cho rằng lỗi thuộc về người mua nhà, ông Đùa kháng cáo lên TAND tỉnh Tây Ninh yêu cầu chỉ phải trả 10 triệu đồng tiền cọc. Tuy nhiên, không những không được tòa chấp nhận, vợ chồng ông còn bị tòa tuyên phải trả cho người mua nhà hơn 33 triệu đồng với lý do có sự chênh lệch giá trị căn nhà giữa thời điểm mua bán với thời điểm tòa xét xử.

Vì vào căn nhà này ở tạm trong lúc nhà bỏ trống mà vợ chồng ông Đùa đã bị khởi tố. Ảnh: TT

Tháng 3-2008, cơ quan thi hành án (THA) dân sự huyện Châu Thành đã ra quyết định THA. Chạy ăn hằng bữa mướt mồ hôi, không kiếm đâu ra hơn 33 triệu đồng để THA, vợ chồng ông Đùa bị cơ quan THA huyện kê biên, bán đấu giá căn nhà mà họ đang ở.

Sau bảy lần cơ quan THA giảm giá nhà nhưng không có người mua, đầu năm 2011, tại phiên đấu giá lần thứ tám, ông TMT đã mua được căn nhà với giá hơn 59 triệu đồng.

Tháng 7-2011, cơ quan THA đã tổ chức cưỡng chế giao nhà cho ông T. Việc cưỡng chế diễn ra êm xuôi. Vợ chồng ông Đùa giao lại nhà cho đoàn cưỡng chế, dẫn hai con ra dựng lều ngoài mảnh vườn của mình gần đó nương náu qua ngày.

Vào ở lại vì chủ mới bỏ trống nhà

Bi kịch của gia đình ông Đùa cũng bắt đầu từ đây.

Theo trình bày của vợ chồng ông, sau khi nhận nhà từ đoàn cưỡng chế, ông T. (người trúng đấu giá) đã không sử dụng mà chỉ mua một ổ khóa mới khóa cửa lại. Trong khi đó, vợ chồng con cái ông phải chen chúc trong túp lều rách nát ngoài vườn, “nhiều đêm trời mưa nước nhỏ tong tong chịu không thấu”.

Vậy là ông Đùa bấm bụng đưa vợ con quay lại. Ban đầu họ không dám phá khóa vào ở trong nhà mà chỉ tá túc ở cái chái cạnh nhà. Nhưng một đêm mưa gió tạt ướt quá, vợ ông Đùa đánh liều cầm hòn đá phá khóa vào. “Thực lòng thấy nhà để trống, vợ chồng tui cũng chỉ định bụng ở tạm để chờ tích góp tiền bán vé số dựng căn nhà khác chứ không có ý tái chiếm nhà” - ông Đùa trần tình.

Biết chuyện căn nhà bị gia đình ông Đùa vào ở nhưng ông T. lại không có ý kiến gì. Thời gian cứ thế trôi, cho đến tháng 3-2014 (hơn hai năm sau khi gia đình ông Đùa vào ở lại) thì ông T. làm đơn tố cáo đến VKSND huyện Châu Thành. VKS huyện bèn chuyển tin báo tố giác tội phạm sang công an huyện đề nghị xử lý.

Công an huyện Châu Thành đã khởi tố vợ chồng ông Đùa về tội không chấp hành án theo Điều 304 BLHS (khung hình phạt cao nhất tới ba năm tù) và được VKS huyện đồng ý phê chuẩn.

Ông Đùa kể lúc nhận quyết định khởi tố, vợ chồng ông tá hỏa bởi trước đó không ai đến làm việc yêu cầu vợ chồng ông phải ra khỏi nhà cả. Vợ chồng ông lập tức dọn ra khỏi nhà, quay lại túp lều ngoài vườn. Dù vậy, chuyện cũng đã không cứu vãn được nữa.

Ông Đùa được tại ngoại điều tra. Vợ ông bị xác định là người trực tiếp phá khóa cửa vào nhà nên bị bắt tạm giam để điều tra, hơn hai tháng sau mới được tại ngoại.

Tại bản cáo trạng ngày 25-11-2014, VKSND huyện Châu Thành nhận định vợ chồng ông Đùa đã có hành vi cố ý không chấp hành án về việc giao nhà cho ông T., xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác nên đã cấu thành tội không chấp hành án.

Sáng 20-3-2015, TAND huyện Châu Thành đã mở phiên xử sơ thẩm. Nhưng sau khi các bên tham gia tố tụng có mặt chờ đến khoảng 10 giờ thì thư ký phiên tòa ra thông báo rằng tòa hoãn xử với lý do VKS có công văn yêu cầu thay đổi thẩm phán chủ tọa.

Tội danh chưa đúng?

Theo luật sư Nguyễn Thế Tân (Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, người bào chữa miễn phí cho vợ chồng ông Đùa), việc VKS huyện truy tố vợ chồng ông Đùa về tội không chấp hành án là sai. Bởi lẽ tội không chấp hành án biểu hiện ở dạng không hành động (không bồi thường cho người bị thiệt hại, không giao lại nhà, không phân chia tài sản chung, không cấp dưỡng…) hoặc dưới dạng hành động (tẩu tán tài sản, xô xát, giằng co, chửi bới, xúc phạm danh dự của cán bộ THA khi họ cưỡng chế…). Trong khi đó, vợ chồng ông Đùa không thực hiện bất cứ hành vi nào kể trên. Mặt khác, một người chỉ coi là phạm tội không chấp hành án nếu trước đó người này đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết (kê biên, niêm phong tài sản, cưỡng chế THA, phạt hành chính…) nhưng vẫn không chịu THA. Trong khi đó, ở đây việc THA đã kết thúc sau khi đoàn cưỡng chế bàn giao nhà cho ông T.

Thẩm phán Phạm Công Hùng (Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM) cũng nhận xét nếu căn cứ vào diễn biến sự việc thì vợ chồng ông Đùa không phạm tội. Bởi hành vi của họ không thỏa mãn các yếu tố cấu thành một tội phạm nào tương ứng trong BLHS hiện hành.

Cụ thể, theo Thẩm phán Hùng, hành vi của vợ chồng ông Đùa không phạm tội không chấp hành án bởi trong lúc cưỡng chế giao nhà, vợ chồng ông Đùa không hề chống đối cơ quan chức năng, không ngăn cản. Thực tế bản án đã được thi hành xong sau khi đoàn cưỡng chế bàn giao nhà cho ông T.

Vậy hành vi vào ở lại nhà của vợ chồng ông Đùa có phạm tội xâm phạm chỗ ở của công dân (Điều 124 BLHS)? Thẩm phán Hùng phân tích khi vợ chồng ông Đùa vào nhà ở lại, người chủ nhà mới biết nhưng lại không có ý kiến gì, cứ để mặc đó, hơn hai năm sau mới đi tố cáo nên khởi tố vợ chồng ông Đùa về tội này là rất khiên cưỡng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án khi có diễn tiến mới.

Chỉ phạt hành chính!

Việc gia đình ông Đùa vào ở nhà đã bán đấu giá cho người khác là xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân. Tuy nhiên, vợ chồng ông không hề muốn chiếm đoạt nhà mà chỉ tranh thủ ở tạm trong lúc chủ nhà mới bỏ nhà trống để tránh mưa nắng, chờ tích góp tiền xây nhà khác. Ngay khi biết bị khởi tố, vợ chồng ông đã dọn ra khỏi nhà. Do đó, việc thẳng tay xử lý hình sự vợ chồng ông là không ổn. Tôi nghĩ cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn toàn có thể áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS hiện hành đối với trường hợp này. Đó là quy định: “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”.

Lẽ ra cơ quan công an chỉ cần gọi vợ chồng ông Đùa lên làm việc yêu cầu trả lại nhà cho ông T. và xem xét xử phạt hành chính là đủ. Ở đây, có thể xem xét xử phạt hành chính đối với vợ chồng ông Đùa về hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác hoặc chiếm giữ trái phép tài sản của người khác. Theo đó, khoản 1 Điều 15 Nghị định 167 ngày 12-11-2013 của Chính phủ (xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình) quy định phạt tiền 1-2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng trái phép tài sản của người khác. Khoản 2 Điều 15 quy định phạt tiền 2-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

Luật sư LÊ VĂN BÌNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm