PHÓ CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MTTQ VIỆT NAM NGUYỄN VĂN PHA:

Không để xảy ra việc trù úm vì ghét ứng viên

Hiện Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (sẽ diễn ra vào ngày 22-5).

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cho hay quá trình hiệp thương sẽ đảm bảo được nguyên tắc dân chủ, khách quan, bình đẳng.

Ông Pha cho biết:  Theo quy định của Luật Bầu cử, việc tiếp nhận hồ sơ ứng cử ĐBQH ở trung ương thuộc thẩm quyền của Hội đồng bầu cử quốc gia, ở cấp tỉnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban bầu cử cấp tỉnh. Các cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định hồ sơ ứng cử có hợp lệ theo quy định của luật hay không, nếu đủ điều kiện mới chuyển tới MTTQ Việt Nam.

Tín nhiệm của người dân nơi cư trú rất quan trọng

. Phóng viên: Vậy trong quá trình hiệp thương nếu thấy hồ sơ ứng viên có vấn đề thì sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Pha: Gặp trường hợp như thế, Mặt trận có quyền đề nghị các cơ quan có thẩm quyền làm rõ. Trong quá trình tổ chức hiệp thương, ý kiến của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử là rất quan trọng. Việc tổ chức hiệp thương được tiến hành công khai, dân chủ. Người ứng cử nào mà có tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú thấp thì khi vào hiệp thương, qua biểu quyết cũng khó được vào danh sách ứng cử chính thức.

. Có ý kiến cho rằng: MTTQ Việt Nam làm thế là bầu cử trước?

 + Không phải! Nếu một người không được cử tri tín nhiệm, gia đình, bản thân, vợ con… không gương mẫu, không có uy tín ngay ở nơi cư trú, nơi công tác thì cũng khó có thể có tín nhiệm với cử tri cả nước. Tất nhiên hội nghị cử tri nơi cư trú, nơi công tác phải được tổ chức khách quan, dân chủ. Việc này Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đã có một nghị quyết riêng để hướng dẫn nhằm đảm bảo nhận xét của cử tri thỏa đáng, khách quan, không để xảy ra tình trạng cử tri ghét một người nào đó rồi trù úm… để biểu quyết thấp. Điều này chúng ta có thể yên tâm.

Các đại biểu tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất biểu quyết về số lượng ứng cử viên đại biểu HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021 chiều 15-2. Ảnh: N.NAM

Không phân biệt với người tự ứng cử

. Một vấn đề khác đặt ra là khi nhận thấy một người có đủ tài, đức để đại diện cho nhân dân thì MTTQ Việt Nam động viên, kêu gọi người đó ra tự ứng cử không, thưa ông?

+ Tự ứng cử là quyền của công dân. Người nào có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật đều có quyền ứng cử. Trong quá trình hiệp thương, MTTQ Việt Nam ủng hộ tất cả những người ứng cử đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không phân biệt người tự ứng cử hay người được giới thiệu ứng cử. Nếu danh sách những người ứng cử có những người tự ứng cử “sáng giá” thì chất lượng những người ứng cử sẽ tăng lên, cử tri sẽ có thêm nhiều lựa chọn.

. Từ QH khóa X cho đến khóa XIII, tỉ lệ đại biểu QH ngoài đảng ngày càng giảm. Theo ông, chúng ta có nên nâng tỉ lệ đại biểu QH ngoài đảng lên không?

+ Điều này thì không thuộc về trách nhiệm của MTTQ Việt Nam mà thuộc về dự kiến của UBTVQH. MTTQ Việt Nam chỉ có trách nhiệm dựa trên những tiêu chuẩn luật định để lựa chọn ra những người ứng cử xuất sắc nhất. Trong hướng dẫn về cơ cấu đại biểu QH thì UBTVQH dự kiến cơ quan nào, địa phương nào giới thiệu bao nhiêu người ứng cử ngoài đảng rồi.

Thực tiễn các cuộc bầu cử trước đây cho thấy, tỉ lệ người ngoài Đảng trong QH không cố định, có thể thấp hơn hoặc cao hơn dự kiến của UBTVQH. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào cử tri. Một số nơi danh sách chính thức những người ứng cử đôi khi tỉ lệ người ứng cử ngoài đảng khá cao. Nhưng rồi cử tri lựa chọn thì có thể số đại biểu ngoài đảng tại QH lại ít hơn số lượng dự kiến. Theo tôi, đây cũng là điều bình thường.

Ba hội nghị hiệp thương

- Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức được giới thiệu ra ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND (số người được giới thiệu ứng cử sẽ gấp đôi số đại biểu được bầu).

- Hội nghị hiệp thương lần thứ hai sẽ thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử để gửi đi lấy ý kiến nhận xét của cử tri nơi cư trú. Việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú được tổ chức tại nơi người được giới thiệu ứng cử cư trú thường xuyên và là cơ sở quan trọng để MTTQ Việt Nam tổ chức hiệp thương lần thứ ba lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.

- Hội nghị hiệp thương lần thứ ba sẽ thỏa thuận lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử thông qua việc xem xét hồ sơ, lý lịch, nhân thân của người ứng cử; tín nhiệm của cử tri nơi người đó công tác, cư trú, đối chiếu với những quy định liên quan theo Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội ở trung ương và cấp tỉnh sẽ chuyển về Hội đồng bầu cử quốc gia; danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp sẽ được chuyển về ủy ban bầu cử cùng cấp để lập danh sách chính thức những người ứng cử và phân bổ về các đơn vị bầu cử.

Cần Thơ chốt số lượng ứng cử viên ÐBQH và HÐND

Chiều 15-2, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất giới thiệu cơ cấu, thành phần và số lượng người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND TP Cần Thơ nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo phân bổ của Ủy ban Thường vụ QH, tổng số ĐBQH khóa XIV của TP Cần Thơ được bầu là bảy người, trong đó bốn ĐB cư trú và làm việc tại địa phương, ba ĐB do trung ương giới thiệu. Trên cơ sở đó, hội nghị thống nhất số lượng ứng viên ĐBQH của địa phương là 14 người, trong đó trung ương ba người.

Về số lượng ĐB HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021, theo quy định Cần Thơ được bầu 55 ĐB. Hội nghị đã thống nhất chốt danh sách số lượng người ứng cử ĐB HĐND TP khóa 2016-2021 là 113.

NHẪN NAM

Theo ông Nguyễn Văn Pha, Luật Bầu cử đại biểu QH và đại biểu HĐND lần này quy định mỗi đơn vị ứng cử phải có số dư ít nhất là hai người. Ví dụ một đơn vị được bầu ba đại biểu thì số người ứng cử phải là năm người trở lên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm