Không được xử lý dựa trên suy đoán bất lợi

Đã vi phạm thì có thể bị xử phạt nhưng tất nhiên các cơ quan chức năng cũng phải xử lý đúng theo quy định.

Trong vụ việc của tiệm vàng Hoàng Mai, từ chỗ phát hiện có việc mua bán trái phép 100 USD, Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM)đã tổ chức khám xét tiệm vàng. Tiếp sau đó là lập biên bản tạm giữ một số ngoại tệ trị giá khoảng 15.000 USD (trong đó có 100 USD mua, bán trái phép). Đồng thời, công an quận còn tiến hành tạm giữ 559 lượng vàng SJC nhưng vì bị phản ứng quá nên thực tế họ chỉ niêm phong và để chủ tiệm tự quản lý.

Nếu đúng là đã lập biên bản vi phạm quả tang (tức kịp thời ghi nhận vi phạm đang được thực hiện) thì 100 USD đó phải được xác định ngay là tang vật VPHC. Bởi lẽ theo khoản 10 Điều 3 Nghị định 185/2013 (xử phạt VPHC trong hoạt động thương mại…) thì tang vật gồm vật, tiền, giấy tờ… có liên quan trực tiếp đến VPHC. Như vậy, công an quận được quyền tạm giữ 100 USD tang vật để có căn cứ ra quyết định xử phạt. Sau cùng là ban hành quyết định phạt tiền kèm theo đó là tịch thu tang vật. Trường hợp chủ tiệm không thừa nhận vi phạm hoặc cho rằng đã bị xử phạt sai thì có quyền khiếu nại, khởi kiện.

Khi trước giờ các cơ quan chức năng đều làm như vậy trong việc xử lý hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép thì việc khám cả tiệm vàng khi không có căn cứ cho rằng nơi đây có cất giấu tang vật, phương tiện VPHC liệu có đúng quy định? Cơ sở nào để công an quận tạm giữ tất cả số ngoại tệ hay niêm phong số vàng miếng có trong tiệm khi pháp luật hiện hành chỉ cấm mua, bán ngoại tệ hay vàng trái phép chứ không cấm cá nhân cất giữ ngoại tệ, vàng? Ngoài ra, các quy định về xử lý VPHC không hề cho phép các cơ quan suy đoán bất lợi kiểu như “cửa hàng có niêm yết giá ngoại tệ, giá vàng”, “két sắt có nhiều ngoại tệ hay số lượng lớn vàng miếng đặt tại khu vực kinh doanh”… thì có thể xem là chủ tiệm đã mua, bán ngoại tệ, vàng trái phép (như trả lời của đại diện công an quận với một tờ báo).

Theo Luật Xử lý VPHC, muốn xử phạt thì người có thẩm quyền phải có trách nhiệm chứng minh VPHC. Không thể có việc vì nghi ngờ mà áp dụng biện pháp ngăn chặn để người liên quan nếu muốn “yên thân” thì phải tự chứng minh mình không VPHC.

THU TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm